Cánh sát biển Việt Nam tuần tra. Ảnh: Minh Phượng |
Tại họp báo thường kỳ chiều 20/8, trước yêu cầu bình luận về việc tàu Hải cảnh của Trung Quốc trong vòng 1 tháng qua đã đi vào thềm lục địa của Việt Nam và thăm dò quanh lô dầu 06.01, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam: "Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin rằng, các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi động thái trên Biển Đông và thực thi pháp luật một cách hòa bình, hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Trong 2 năm gần đây, tàu thăm dò địa chất và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc liên tiếp đi vào lãnh hải của không chỉ Việt Nam mà còn của các nước trong khu vực Biển Đông, cản trở các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp.
Tháng 7/2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Hồi tháng 4/2020, vẫn là tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 tới khu vực phía nam Biển Đông khảo sát, gần vị trí hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê.
Các nước trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia và Philippines, và hai nước ngoài khu vực Biển Đông là Mỹ và Australia đã chỉ trích những hoạt động gây hấn và quấy rối của Trung Quốc trong lãnh hải của các nước và các vùng biển có tranh chấp.