Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Lực lượng Công an Thủ đô góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng

Kinh tế & Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã gửi bài phát biểu tham luận. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được coi là đỉnh cao của quân và dân Thủ đô cũng như của cả miền Bắc trong cuộc chiến tranh nhân dân hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm kiên cường, quân dân Hà Nội cùng với toàn miền Bắc đã làm một trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử của đế quốc Mỹ. Góp phần vào chiến công lừng lẫy đó, lực lượng Công an Thủ đô đã nêu cao phẩm chất vì nhân dân không quản hy sinh, sát cánh cùng bộ đội, dân quân tự vệ và Nhân dân Hà Nội viết nên bản hùng ca chiến thắng.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan Bảo tàng Chiến thắng B.52.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan Bảo tàng Chiến thắng B.52.

Đầu tháng 8 năm 1964, sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ đã cho máy bay đánh vào các căn cứ hải quân của ta mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Thủ đô Hà Nội, đầu não của cách mạng cả nước, trở thành một trong những chiến trường và địa bàn có tầm quan trọng quyết định đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ngày 15 tháng 8 năm 1965, Thường vụ Thành ủy quyết định chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế sang thời chiến nhằm phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, đời sống và chiến đấu phòng không. Công tác phòng không nhân dân và công tác sơ tán được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây là công việc hết sức nặng nề của thành phố mà lực lượng Công an Thủ đô phải góp phần xây dựng chủ trương kế hoạch và triển khai thực hiện. Trước tình hình đó Thành ủy đã chỉ đạo Công an Hà Nội cử một đoàn cán bộ vào các tỉnh khu bốn để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.

Từ những kinh nghiệm quý báu mà các tỉnh bạn trao đổi, Công an Hà Nội đã vận dụng hiệu quả vào tình hình thực tế ở Thủ đô để tham mưu giúp cho thành phố ban hành nhiều văn bản, chỉ thị quan trọng về công tác phòng không nhân dân sau này. Đầu tháng 7 năm 1966, đế quốc Mỹ lại mở chiến dịch “Sấm rền” tập trung đánh vào hệ thống xăng dầu và tiếp tục đánh phá Hà Nội ác liệt hơn. Để giữ vững an ninh Thủ đô trong mọi tình huống, Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo lực lượng Công an Thủ đô bên cạnh thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân còn phải tập trung vào công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng, chống mọi hoạt động phá hoại như gây bạo loạn, đổ bộ tập kích vũ trang và tung gián điệp biệt kích. Nhờ xây dựng thế trận an ninh vững chắc nên lực lượng Công an Thủ đô luôn chủ động với tình hình, phát hiện kịp thời và đấu tranh có hiệu quả mọi hoạt động của kẻ địch, góp phần làm thất bại thảm hại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Nhân dân miền Bắc sôi nổi bước vào thời kỳ mới, thời kỳ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Công cuộc khôi phục kinh tế, củng cố hậu phương đang giành được những thắng lợi trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thì đế quốc Mỹ lại mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đánh phá miền Bắc. Đầu năm 1972, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 (khóa III) đã chỉ rõ: “Động viên sức người, sức của hết lòng chi viện cho miền Nam và giúp đỡ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Lào và nhân dân Cămpuchia... Nâng cao tinh thần cảnh giác và trình độ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chiến tranh mới của đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Tại Hà Nội, thực hiện chủ trương sẵn sàng chiến đấu của Trung ương Đảng, ngày 03 tháng 02 năm 1972, Thường vụ Thành ủy quyết định đưa một số đơn vị vào trực chiến và xác định nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô. Ngày 19 tháng 4 năm 1972, Thành ủy đã ra chỉ thị cho cơ quan xí nghiệp, khẩn trương sơ tán kho tàng, tài sản, hàng hóa ra khỏi thành phố và giao cho lực lượng Công an Thủ đô kiểm tra, đôn đốc việc sơ tán. Bên cạnh đó chỉ đạo Sở Công an Hà Nội phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trung đoàn 254 Công an vũ trang thành lập một bộ chỉ huy chung để thống nhất chỉ đạo, xây dựng và triển khai các phương án tuần tra cảnh giới, bảo vệ các mục tiêu và đánh bọn biệt kích khi chúng nhảy dù vào thành phố. Giao Sở Công an Hà Nội mở đợt công tác trấn áp những phần tử có thể gây nguy hại cho trật tự an ninh khi chiến tranh xảy ra, bắt tập trung giáo dục cải tạo 113 tên, truy tố 04 tên, cấm cư trú 02 tên, quản chế 01 tên. Đồng thời tăng cường củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, lực lượng phòng cháy chữa cháy trong nhân dân và bố trí ở các khu vực thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ cứu chữa các mục tiêu trọng điểm. 

Đêm 18, rạng sáng ngày 19 tháng 12 năm 1972, quân đội Mỹ huy động toàn bộ không quân chiến lược, không quân chiến thuật ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương gồm gần 200 máy bay B-52 và hàng nghìn máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát khác triển khai đánh phá cấp độ hủy diệt đối với các cơ sở kinh tế, quốc phòng, dân sinh, các tuyến giao thông huyết mạch các tỉnh, thành phố trọng điểm miền Bắc, tập trung chủ yếu địa bàn thành phố Hà Nội. Trong vòng 12 ngày đêm, Hà Nội đã trực tiếp đương đầu với 45 trận đánh bom (trong đó có 30 trận ban đêm) cấp tập với mức độ và quy mô hủy diệt diện rộng, 2.289 người bị giết hại, hơn 1.500 người bị thương, hơn 13.000 ngôi nhà bị phá huỷ.

Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh tư liệu
Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh tư liệu

Lực lượng Công an Thủ đô được Đảng bộ thành phố Hà Nội giao chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định phương án bảo vệ sơ tán, thực hiện tốt các kế hoạch bảo vệ trật tự trị an ở đường phố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thấp mọi thiệt hại khi địch bắn phá dù trong hoàn cảnh cam go nhất. Ngay sau khi lệnh sơ tán được phát ra thì lực lượng Công an Thủ đô với sự nỗ lực vượt bậc cùng sự tập trung cao độ đã phối hợp Sở Giao thông vận tải, các đơn vị có phương tiện và nghành vận tải của Trung ương bảo vệ thành công cuộc sơ tán cấp tốc, triệt để gồm 547.895 người trong tổng số 65 vạn dân ở các tiểu khu, khu phố nội thành, vùng trọng điểm (trong đó có 285.975 người lớn, 257.920 trẻ em) cùng khối lượng tài sản khổng lồ ra ngoại thành và về các địa phương lân cận, bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự và an toàn. Đây là lần sơ tán được tiến hành hết sức khẩn trương và đạt kết quả cao nhất ở Thủ đô trong 08 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Bên cạnh đó lực lượng Công an Thủ đô đã cùng với 58.060 lượt bảo vệ, dân phòng, công an xã, dân quân tự vệ và nhân dân tích cực tham gia công tác quan sát, báo động phòng cháy, đảm bảo giao thông vận tải, tham gia cứu thương, cứu sập, tuần tra canh gác, tháo gỡ 101 quả bom nổ chậm, 160 quả bom xuyên, 220 quả bom sát thương và dọn dẹp hiện trường, ổn định mọi mặt sinh hoạt của thành phố sau mỗi đợt địch dội bom đánh phá.

Trong những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân chẳng quản ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao, tiêu biểu như: Lực lượng bảo vệ an ninh thuộc các Đồn Công an số 42, 43, 44 (khu Đống Đa), số 31, 33 (khu Ba Đình), số 22, 23, 24 (khu Hai Bà Trưng), các đồn công an ở thị trấn Yên Viên, Gia Lâm và ở các huyện khác đều lập thành tích xuất sắc. Các đơn vị phòng cháy, chữa cháy, lực lượng xung kích chiến đấu mưu trí, dung cảm, sáng tạo ngày đêm sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng Cảnh sát giao thông ngày đêm bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông. Tổ cảnh sát bến phà Khuyến Lương đã phối hợp với bộ đội và nhân dân bắt được giặc lái. Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Uân, cảnh sát khu vực Đồn 23, khu phố Hai Bà Trưng dũng cảm cứu dân, cứu tài sản Nhà nước, lấy thân mình che đạn cho dân. Đồng chí Phan Điện Biên, cảnh sát giao thông Gia Lâm đã dũng cảm nhảy lên toa xe lửa đang cháy đập chốt tách toa hàng để bảo vệ tài sản Nhà nước…

Tại cuộc đọ sức lịch sử này, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết một lòng, tập trung trí tuệ, sức mạnh, lòng quyết tâm và quả cảm lập nên chiến công bắn hạ 30 máy bay tối tân các loại của không quân Mỹ, trong đó có 23 “pháo đài bay” B-52 (chiếm 67,6% số B-52 bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc và chiếm 11,6% lượng máy bay được huy động tham gia chiến dịch). Đế quốc Mỹ muốn biến Hà Nội thành bãi chiến trường của cuộc đọ sức cuối cùng mà chúng tưởng nắm chắc phần thắng trong tay. Nhưng tất cả mọi tính toán điên cuồng đó đều bị đảo lộn hoàn toàn. Hà Nội đã chiến thắng, quân và dân Hà Nội đã làm nên một chiến công vô cùng chói lọi! Cả nước hướng về Hà Nội tin tưởng, mừng vui cổ vũ. Bạn bè năm châu hồi hộp, lo âu trước cuộc đụng đầu lịch sử đã vui mừng ca ngợi: Hà Nội là Thủ đô của phẩm giá con người, Việt Nam là lương tri của thời đại.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trước đối thủ có ưu thế nhiều mặt như đế quốc Mỹ chẳng thể mang tính ngẫu nhiên, nó đến từ việc huy động sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc, trong đó có sự chuẩn bị công phu và việc triển khai hiệu quả công tác bảo vệ trật tự trị an địa bàn, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình hình. Thắng lợi giành được sau 12 ngày đêm đối đầu với lực lượng không quân và hải quân hùng hậu của Mỹ không chỉ là một thắng lợi trong chuỗi thắng lợi suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập của dân tộc, mà hơn nữa lực lượng Công an Thủ đô đã góp phần tô thắm thêm truyền thống người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ. Với chiến thắng này, Hà Nội đã góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, buộc Mỹ ngày 27 tháng 01 năm 1973 phải ký kết hiệp định Pa-ri về Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là hành trang của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó là bài học về củng cố và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố đối với lực lượng Công an Thủ đô trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ và làm tốt việc quán triệt nhiệm vụ, giáo dục truyền thống “Hà Nội nghìn năm văn hiến”, truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bài học về ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Ở vào hoàn cảnh nguy nan, cân não, điều đó càng thể hiện rõ ràng và phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả; đồng thời là yếu tố cốt lõi giúp lực lượng Công an Thủ đô có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự được Đảng, Nhà nước, ngành Công an và Nhân dân tin tưởng giao phó. Cùng với đó là bài học cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng không nhân dân với thế trận an ninh nhân dân; phát huy sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong mọi hoàn cảnh dù cam go nhất; duy trì phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp là bàn đạp vững chắc giúp bảo đảm an ninh, trật tự tại mỗi địa bàn. Làm tốt công tác tuyên truyền giúp quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác và đẩy mạnh công tác bảo vệ nội bộ.

Đường phố Hà Nội trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)
Đường phố Hà Nội trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Vận dụng những bài học trên vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Thành ủy, lực lượng Công an Thủ đô ngày càng được củng cố và xây dựng vững mạnh, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đổi mới sâu sắc, đồng bộ, toàn diện các mặt công tác công an, luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; kịp thời tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố các chủ trương, chính sách, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thủ đô, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh trấn áp làm giảm các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của Thủ đô.

Từ chiến thắng kỳ vỹ trong quá khứ, đặt trọn lòng tin vào khối óc, bàn tay con người Hà Nội, con người Việt Nam, chúng ta chắc chắn rằng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta nhất định thành công, Thủ đô yêu quý của chúng ta sẽ ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại xứng đáng là “trái tim của cả nước”, được nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - thắng lợi mang tính thời đại của quân và dân ta trong cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ năm 1972 sẽ còn sống mãi với Thủ đô yêu dấu và trong lòng mỗi chúng ta.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần