Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Đồng Nai được thành lập vào năm 1976, trực thuộc UBND tỉnh, thực thi nhiệm vụ và tổ chức hoạt động theo Pháp lệnh Bảo vệ rừng năm 1972, Nghị định 101/CP ngày 21/5/1973 của Hội đồng Chính phủ.
Từ năm 1979 đến 1993, Chi cục Kiểm lâm nhân dân trực thuộc Ty Lâm nghiệp Đồng Nai. Từ năm 1994 đến năm 2003, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, theo Nghị định số 39/CP của Chính phủ quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm, đổi tên lực lượng Kiểm lâm nhân dân thành lực lượng Kiểm lâm. Từ năm 2004 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai trực thuộc Sở NN&PTNT.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn
Ngay khi được thành lập, Kiểm lâm Đồng Nai tập trung kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng. Đào tạo, huấn luyện chuyên sâu nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời trang bị các phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng và chữa cháy rừng; nâng cao năng lực dự báo.
Song song với công tác chuyên môn, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác pháp chế, quản lý bảo vệ, theo dõi diễn biến rừng, bảo tồn thiên nhiên cho công chức kiểm lâm tại các đơn vị trực thuộc và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nông lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp (phân hiệu Đồng Nai), Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II thuộc bộ Nông nghiệp và PTNT, để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị…
Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm luôn tạo điều kiện, động viên công chức có trình độ trung cấp, sơ cấp tham gia đào tạo bổ sung trình độ Đại học để đạt chuẩn vị trí việc làm. Cử công chức tham gia các lớp đào tạo sau Đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới khi bộ máy ngày càng tinh giản, đòi hỏi không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để đạt hiệu quả cao.
Đóng cửa rừng, duy trì và phục hồi rừng tự nhiên
Những năm đầu thành lập, độ che phủ rừng tỉnh Đồng Nai đạt trên 47%. Tuy nhiên, những năm sau đó, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng của người dân còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác lâm sản không đúng quy hoạch cho nên độ che phủ rừng của tỉnh ngày càng giảm, chỉ còn trên 25%.
Trước bối cảnh đó, ngày 24/02/1997, chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-UBT về việc đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là Quyết định đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất cả nước, nhằm phục hồi, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên.
Sau hơn 25 năm đóng cửa rừng tự nhiên, rừng Đồng Nai đã từng bước phục hồi, nhiều diện tích rừng phủ một màu xanh tràn đầy sức sống. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Đồng Nai có 123.939 ha rừng tự nhiên, là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất Nam Bộ. Ngoài ra, tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì mức 29%, cao nhất trong các tỉnh Nam bộ.
Trước thực tế tài nguyên rừng một số nơi ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra, sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội... những năm qua đã tạo sức ép rất lớn đến rừng và đất lâm nghiệp. Thế nhưng, lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai luôn quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm duy trì độ che phủ rừng đạt trên 29%, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo vệ rừng
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm qua các thời kỳ rất chú trọng tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các nguồn lực hỗ trợ khác, Chi cục Kiểm lâm ưu tiên đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý rừng.
Cụ thể, cập nhật theo dõi diễn biến rừng, xây dựng bản đồ trồng rừng, bản đồ xác nhận hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp phục vụ cho công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… bằng các phần mềm Mapinfor, MapSource, Microstation, Arcview. Cập nhật các lô rừng có biến động trong từng năm vào cơ sở dữ liệu, số hóa thông tin, giúp cho ngành NN&PTNT quản lý rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả; đồng thời các cơ quan từ tỉnh đến huyện, xã cũng dễ dàng theo dõi quản lý, bảo vệ rừng.
Trong những năm qua, lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai đã tổ chức, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp với các cơ quan, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục Hải quan xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.
Nhìn lại chặng đường 47 năm qua, nhiều lớp thế hệ Kiểm lâm Đồng Nai đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách, điều kiện làm việc thiếu thốn, vất vả, thế nhưng tình yêu rừng trong tim họ vẫn luôn sâu sắc. Với trọng trách thiêng liêng cao cả, những chiến sĩ Kiểm lâm tự hào khoác trên người bộ trang phục màu xanh hàng ngày, hàng giờ giữ gìn màu xanh cho tỉnh nhà, bảo vệ lá phổi xanh cho Đồng Nai và miền Đông Nam bộ.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai là 199.870 ha, trong đó diện tích có rừng là 172.455 ha (rừng tự nhiên 123.939 ha, rừng trồng 48.516 ha) và 27.415 ha diện tích chưa thành rừng. Tỷ lệ che phủ rừng: năm 1999 là 25,48%, năm 2022 đạt 29,24% (tăng 3,76% so với năm 1999); đảm bảo chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra (28,3%).