Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật. Đại biểu chỉ rõ, về lý thuyết xây dựng luật nhằm thu gọn đầu mối nhưng dự thảo luật lại không thể hiện được điều này. Cách thể hiện của dự thảo luật dường như không thể hiện được đúng tinh thần đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, hơn nữa còn làm phình bộ máy. Cho biết hiện nay các địa phương tồn tại khá nhiều mô hình tự quản, tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở như câu lạc bộ, hiệp sỹ đường phố…đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt câu hỏi vậy các đối tượng này có nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật. Mặt khác, Ban Bí thư cũng đã giao Mặt trận tổ quốc nghiên cứu thành lập mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Vậy khi Luật này có hiệu lực thì các mô hình khác có được duy trì. Đại biểu nhấn mạnh đây là vấn đề cần được làm rõ.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho biết nhiều chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật nhưng chưa được đánh giá tác động rõ như việc tổ chức chế độ chính sách cho đối tượng này không đúng bản chất đây là lực lượng quần chúng tự nguyện; chưa làm rõ ngân sách dành cho lực lượng này là bao nhiêu, ngân sách địa phương chi bao nhiêu, ngân sách trung ương chi bao nhiêu.
Có cùng băn khoăn, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn tỉnh Quảng Nam) đặt câu hỏi nếu luật được ban hành thì những thành phần không có trong luật có được tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nữa hay không; khi đó việc thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc sẽ như thế nào. Dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện nhưng lại chỉ giới hạn các đối tượng là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, vậy những đối tượng tự nguyện khác muốn tham gia có được tham gia bảo vệ an ninh trật tự không. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thật kỹ vấn đề chi phí nếu thành lập lực lượng này.
Chuyển ý kiến cử tri đến cơ quan soạn thảo đề nghị làm rõ, đại biểu Phan Thái Bình nêu, trong các báo cáo tính hình an ninh cơ sở càng ngày càng tốt hơn nhất là khi thực hiện chính quy công an xã, vậy tại sao tình hình lại phức tạp thêm để có thêm lực lượng này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) khẳng định vấn để bảo đảm an ninh trật tự hiện nay là yêu cầu hết sức bức thiết đối với đời sống kinh tế xã hội và Nhân dân nhưng mỗi vùng đồng bằng, nông thôn, miền núi, đô thị lại có yêu cầu, tính chất khác nhau. Khẳng định việc ban hành luật để giải quyết vấn đề bảo đảm an ninh trật tự quốc gia là cần thiết song đại biểu Nguyễn Lâm Thành bày tỏ không đồng tình nếu dự thảo Luật đi theo hướng xây dựng lực lượng.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh trật tự đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong đó có lực lượng nòng cốt và vai trò của lực lượng công an trong điều phối tổ chức, chủ trì. Do đó, đại biểu đề nghị nên ban hành quy định khung trên cơ sở đó để các địa phương quy định mô hình phù hợp với đặc thù địa phương mình để giải quyết các vấn đề.
Giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về cơ bản, có nhiều ý kiến phát biểu nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật và đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự án lần này. Trong đó, có ý kiến phát biểu về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển chọn, xây dựng, bố trí, sử dụng lực lượng, phạm vi, giới hạn, phương thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình tại phiên thảo luận |
Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ ra rằng, thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự như là trong khái niệm của dự thảo Luật đưa ra cũng đã tồn tại ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công. Cho đến nay, lực lượng này ngày càng phát huy. Đối với kinh nghiệm của một số nước có lực lượng này, ví dụ như: ở Singapore thì gọi là lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia rất nhiều các công việc như tự nguyện cấp cứu người bị thương, người bị nạn ở trên đường phố. Còn ở Nga hiện nay, có khoảng 7 cơ quan như cơ quan an ninh, cơ quan tình báo, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ, v.v.. Ở Mỹ cũng có hàng chục các cơ quan như vậy. Ở Việt Nam, từ trước cách mạng, chế độ cũ cũng đã tổ chức lực lượng này, ví dụ ở từng thôn, từng xã có những điếm canh để cho các lực lượng này hoạt động.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, chủ trương của chúng ta hiện nay là giao rất nhiều các công việc và thực hiện nhiệm vụ 4 tại chỗ, thì đây chính là một trong lực lượng rất quan trọng để thực hiện 4 tại chỗ theo các quy định và phân cấp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật này điều chỉnh chính đối với 3 lực lượng mà trên thực tế hiện nay đã đang tồn tại, ở phạm vi toàn quốc và có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, thậm chí có cả luật về những những lực lượng này.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều các mô hình khác nhau và mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc và cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức hoạt động của các lực lượng này, Chính phủ cũng thấy rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện cả về quy định cũng như về thực tiễn, để có đủ cơ sở để quy định trong luật. Do đó, những tổ chức khác, những hoạt động khác cũng chưa được đưa vào trong luật này, mà chỉ tính lực lượng trên thực tế đã tồn tại và vẫn đang hoạt động để xác định địa vị pháp lý cũng như quy định bằng luật. Hơn nữa, nhiều hoạt động của lực lượng này cũng động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền công dân, con người, theo quy định của Hiến pháp do đó phải quy định bằng luật chứ không thể là văn bản khác được. Nếu luật này được ra đời thì sẽ không hạn chế trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác tham gia trong phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Về băn khoăn của đại biểu đối với việc tăng chi phí, Bộ trưởng cho biết, theo thống kê cuae quy định luật có thể thấy rằng, nếu chúng ta bố trí lực lượng dân phòng theo đúng luật quy định, mỗi một xóm, một thôn phải có đội 10 người thì con số đó rất lớn và tổng cộng tất cả các số này theo quy định của luật thì khoảng 2 triệu người. Nhưng nếu theo điều chỉnh quy định này thì giảm được khoảng 500 người so với số đó, do lực lượng dân phòng hiện nay mới thành lập được khoảng 20%.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ sẽ cùng phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp tục tiếp thu để giải trình những nội dung mà đại biểu Quốc hội đã có ý kiến góp ý về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để trình Quốc hội xem xét, nếu được Quốc hội đồng ý./.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận các đại Quốc hội cho rằng việc bảo đảm an ninh trật tự cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng góp phần xây dựng xã hội bình yên, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, vấn đề này cũng liên quan đến hệ thống chính trị ở cơ sở, quyền con người quyền công dân tác động đến đời sống của nhân dân. Do đó cần được nghiên cứu chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, khi quyết định đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu xác định vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vừa phát huy được vai trò của lực lượng này, vừa huy động được sự tham gia của các cơ quan tổ chức cá nhân trong hoạt động đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, bảo đảm nguyên tắc đây là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia để hỗ trợ lực lượng công an, không phát sinh tổ chức, lực lượng mới, không làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy và của chính quyền cơ sở. Trên cơ sở đó quy định nhiệm vụ quyền hạn, bố trí lực lượng phải phù hợp với vị trí, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình, địa bàn nông thôn, miền núi, đô thị và hải đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nội dung của dự án Luật liên quan đến nhiều văn bản về an ninh trật tự, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, kinh phí, tài chính. Do đó cần phải rà soát thật kỹ, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định nhất là với các lực lượng được quy định trong Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật Lực lượng dự bị động viên và các quy định về ngân sách, bảo hiểm.
Ngoài ra, các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát làm rõ nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng tham gia phù hợp với vị trí, tính chất chỉ hỗ trợ, không làm ảnh hưởng đến quyền con người quyền công dân, rà soát quy định xây dựng lực lượng, chế độ chính sách, điều kiện đảm bảo để khả thi phù hợp với tình hình thực tế, cân đối với các lực lượng khác, không làm phát sinh gánh nặng cho địa phương. Cần làm rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của ngành công an và phối hợp các ngành trong hỗ trợ, quản lý hướng dẫn, bồi dưỡng lực lượng này, bảo đảm chặt chẽ toàn diện, cần thiết thí điểm khảo sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ và báo cáo xin ý kiến Quốc hội quyết định./.