Lực lượng vũ trang Thủ đô trong chiến dịch phòng không 1972

Kinh tế & Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” , Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô đã gửi bài phát biểu tham luận. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang Thủ đô vừa sản xuất, vừa tăng cường chi viện cho các chiến trường, đồng thời, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với quân và dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm thất bại ý đồ hủy diệt Hà Nội của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52 năm 1972. Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52 năm 1972. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở dự báo chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội và kinh nghiệm trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã quán triệt sâu sắc chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, chủ động tham mưu cho Thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, phát triển lực lượng, củng cố thế trận phòng không nhân dân phù hợp với tình hình mới. Hà Nội đã đẩy mạnh kiện toàn, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt tiến hành công tác phòng không nhân dân. Trọng tâm là, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phòng không hoạt động tập trung và tăng cường tổ chức các đội “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu ở cơ sở. Cùng với xây dựng lực lượng rộng khắp, bổ sung vũ khí, trang bị và đẩy mạnh huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho cán bộ, chiến sĩ, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với các lực lượng, cơ quan và nhân dân trên địa bàn xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững mạnh, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.

Thực hiện mệnh lệnh cấp trên, ngay từ giữa tháng 4/1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu cho Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội quyết định sơ tán cấp tốc từ 250 nghìn đến 300 nghìn người, củng cố Hội đồng phòng không nhân dân các cấp theo yêu cầu mới. Tháng 6/1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập 08 đại đội tự vệ tập trung thoát ly sản xuất. Trong nội thành, mỗi khu phố tổ chức 01 đại đội pháo cao xạ 100 mm gồm 05 khẩu đội với quân số 50 người để tăng cường hỏa lực bắn máy bay địch. Ở bốn huyện ngoại thành, mỗi huyện tổ chức một đại đội bộ binh tập trung, trang bị đủ súng đạn, làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên địa bàn huyện. Hệ thống trận địa bắn máy bay bay thấp của dân quân, tự vệ được tổ chức thành 62 trận địa trực chiến, bố trí sát mục tiêu bảo vệ.

Trong nội thành, các cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên tổ chức các đơn vị chiến đấu trang bị súng máy cao xạ cơ động đánh địch nhưng không hoàn toàn thoát ly sản xuất. Các cơ quan xí nghiệp có dưới 70 tự vệ được trang bị súng bộ binh làm nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ và là lực lượng xung kích trong khắc phục hậu quả bom, đạn địch. Ở ngoại thành, lực lượng dân quân mỗi thôn xã đều chia thành ba lực lượng gồm: lực lượng chiến đấu cơ động được trang bị súng máy cao xạ; lực lượng chiến đấu tại chỗ được trang bị súng bộ binh và lực lượng phục vụ chiến đấu. Sau khi ổn định biên chế, tổ chức và tập trung huấn luyện cấp tốc, từ ngày 25/8/1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô đưa 4 đại đội pháo 100 mm của các khu phố nội thành lần lượt ra trực chiến. Các đại đội này được bố trí ở khu vực tiếp giáp giữa nội thành và ngoại thành, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Sư đoàn Phòng không 361.

Do tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) được bổ sung 24 khẩu pháo 37 mm, 105 súng máy cao xạ 20 mm, 14,5 mm và 12,7 mm, 99 đại liên, hơn một nghìn súng trường các loại tập trung cho các cụm chiến đấu trọng điểm: Ba Vì, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Cầu Giẽ. Trên toàn tỉnh hình thành 267 trận địa của dân quân, tự vệ bố trí đón đánh máy bay địch vào đánh phá Hà Nội từ các hướng Đông - Nam, Tây và Tây - Bắc. Như vậy, trước khi bước vào trận quyết chiến chiến lược với đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, lực lượng và thế trận của lực lượng vũ trang Thủ đô đã được xây dựng rộng khắp, cùng với thế trận của Quân chủng Phòng không - Không quân tạo thành thế trận liên hoàn, hiểm hóc, sẵn sàng tiêu diệt máy bay địch.

19 giờ 25 phút ngày 18/12/1972, chiến dịch phòng không của quân dân ta chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ bắt đầu. Dân quân tự vệ Thủ đô tham gia chiến dịch cùng với thế trận của lực lượng phòng không quốc gia có 04 đại đội pháo cao xạ 100 mm (20 khẩu), 192 trận địa với 721 khẩu súng máy phòng không 14,5 mm, 12,7 mm và trên 40.000 dân quân tự vệ trang bị súng trường, tiểu liên, súng cối sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không, truy bắt giặc lái.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm, dưới sự chỉ huy thống nhất tập trung từ Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, các đơn vị phòng không, không quân, các đơn vị trực chiến của dân quân, tự vệ đã chiến đấu mưu trí, kiên cường, ngay đêm đầu tiên (18/12/1972) bắn rơi 03 pháo đài bay B-52, trong đó 02 chiếc rơi tại chỗ. Ba ngày tiếp theo, quân dân ta đã tiêu diệt 23 máy bay, trong đó có 9 máy bay B-52 (07 chiếc rơi tại chỗ).

Đối phó với thủ đoạn dùng máy bay F-111 hoạt động ở độ cao thấp và rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội đánh phá các mục tiêu, gây căng thẳng thường xuyên cho nhân dân ta, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã điều chỉnh lực lượng hợp lý và bố trí thế trận hiểm hóc, nhanh chóng tổ chức và trực tiếp chỉ huy một đại đội tự vệ với 05 súng máy cao xạ 14,5mm gồm 3 trung đội tự vệ của 3 nhà máy gần nhau: Nhà máy gỗ Hà Nội, Nhà máy cơ khí Mai Động và Nhà máy cơ khí Lương Yên. Đại đội có nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp, chủ yếu là F-111, bảo vệ nhà máy và các mục tiêu cảng Sông Hồng, Bệnh viện Việt - Xô, Viện quân y 108. Sáng ngày 22/12/1972, đại đội cơ động đến trận địa Vân Đồn, thuộc quận Hai Bà Trưng bố trí chiến đấu nhằm phục kích, đón lõng đường bay đột nhập của máy bay địch, đến 20 giờ 18 phút, các khẩu đội bắt mục tiêu đồng loạt nổ súng, máy bay địch trúng đạn bốc cháy rơi xuống huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Từ ngày 25/12/1972, để đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của không quân Mỹ và rút kinh nghiệm chiến đấu, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức lại thành 23 trận địa tập trung, bố trí thành từng cụm phục kích đón lõng các đường bay địch, 04 đại đội pháo 100 mm được bổ sung thêm đạn. Nhờ đó, hiệu quả chiến đấu của quân dân ta ngày càng cao . Qua 12 ngày đêm chiến đấu với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ, quân dân miền Bắc giành thắng lợi to lớn. Riêng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 máy bay B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 02 máy bay F-111 và 5 máy bay chiến thuật .

Về công tác phòng không nhân dân, ngay trong tối 18/12/1972, thực hiện điện khẩn của Phủ Thủ tướng về việc máy bay B-52 vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Ngay khi đợt bom đầu tiên vừa dứt, Thường vụ Thành ủy, Ủy ban hành chính, Hội đồng Phòng không nhân dân thành phố Hà Nội đã hội ý thống nhất chủ trương và điện khẩn cho tất cả các khu phố, các huyện, các cơ quan, trường học, xí nghiệp phải kiên quyết sơ tán nhân dân, những người không có nhiệm vụ ở nội thành ra khỏi Thành phố, học sinh tạm thời nghỉ học, các lực lượng khắc phục hậu quả sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ.

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20 giờ 13 đêm 18/12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20 giờ 13 đêm 18/12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phân công nhau khẩn trương xuống các vùng bị đánh phá, các trận địa kiểm tra, giúp đỡ, động viên bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ và nhân dân tiếp tục chiến đấu, khắc phục hậu quả do bom địch gây ra. Trên các tuyến đường, hàng trăm xe ô tô chở người và hàng hóa, hối hả nhưng vẫn trong trật tự và bình tĩnh. Các đội công binh địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực bắt đầu công việc phát hiện, rà phá bom chưa nổ, cứu đổ, cứu sập, giải phóng các trục đường giao thông, khôi phục đường dây thông tin... Để tạo điều kiện cho không quân xuất kích kịp thời đánh máy bay B-52, bộ đội và dân quân Hà Nội đã gấp rút sửa chữa các sân bay bị hư hỏng nặng do địch đánh phá liên tục trong các ngày đêm. Hai huyện Đa Phúc và Kim Anh đã huy động nhân dân với lực lượng nòng cốt là dân quân đóng góp hàng trăm nghìn ngày công đào đắp, sửa chữa, ngụy trang trận địa, san lấp hố bom, tạo điều kiện cho máy bay ta cất cánh, đánh địch.

Cùng với đó, dân quân tự vệ ở các địa bàn tổ chức các tổ cứu thương, vận tải, cấp dưỡng để phục vụ bộ đội tên lửa, cao xạ, rađa. Tự vệ các công ty cầu đường, bám trụ các trục đường thu dọn chướng ngại vật, bom nổ chậm, giải phóng mặt đường cho xe chạy. Nhân viên bưu điện, ngày đêm thường trực bên đài, bên máy, bình tĩnh khắc phục sự cố trong bom đạn, bảo đảm vững chắc thông tin liên lạc. Cán bộ, nhân viên y tế các trạm xá, bệnh viện tận tụy cứu chữa hàng ngàn thương binh, người bị nạn suốt ngày đêm. Đến ngày 18/12, Hà Nội đã hoàn thành sơ tán bước 3, tổ chức sơ tán trên 500 nghìn người (85% tổng số người ở nội thành). Đây là lần sơ tán lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của nhân dân Thủ đô.

50  năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 vẫn còn mãi và đi vào lịch sử dân tộc. Trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, thế trận phòng không nhân dân của Thủ đô được chuẩn bị chu đáo, toàn diện, cả thế trận phòng tránh, thế trận đánh trả, phù hợp với địa bàn, đảm bảo liên hoàn, vừa rộng khắp, vừa có trọng điểm, có thể đánh địch liên tục cả ngày lẫn đêm, từ xa đến gần, phát huy hiệu quả mọi loại vũ khí hiện có. Bộ Tư lệnh Thủ đô tham mưu cho Thành phố chủ động triển khai công tác sơ tán phòng tránh. Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, lực lượng vũ trang Thủ đô đã hiệp đồng chặt chẽ, kiên cường bám trận địa,  tổ chức chiến đấu rộng khắp, linh hoạt, tạo lưới lửa phòng không tầm thấp dày đặc, chi viện, phối hợp cùng các đơn vị Phòng không - Không quân tiêu diệt máy bay địch ngay trên bầu trời Hà Nội.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại bài học sâu sắc, mãi còn nguyên giá trị về công tác nắm bắt tình hình, dự báo chiến lược; chủ động tham mưu, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức chiến tranh nhân dân, nhất là xây dựng lực lượng, thế trận, tổ chức phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tiến hành công tác phòng không nhân dân, sơ tán, phòng tránh, đánh trả…

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn; chiến tranh lớn ít có khả năng xảy ra, nhưng xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng vẫn là những thách thức lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tiếp tục tác động nhanh, toàn diện đến mọi mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục coi Hà Nội là địa bàn trọng điểm để tập trung chống phá. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống còn diễn biến phức tạp...

Những vấn đề trên là thách thức lớn đối với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Những bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của quân và dân Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới, lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (19/10/1946 - 19/10/2022) vận dụng sáng tạo kinh nghiệm truyền thống, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình mới; tích cực đổi mới và tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ Thủ đô vừa mang đầy đủ nét đặc trưng văn hóa người Hà Nội, vừa kế thừa, phát huy bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, nắm chắc tình hình, tham mưu xử lý kịp thời theo đúng chức năng từ cơ sở, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, chủ động làm tốt công tác tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, trước hết là “thế trận lòng dân” vững chắc; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng an ninh trong khu vực phòng thủ; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN.
Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN.

Ba là, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; tích cực, chủ động xây dựng thế trận phòng không nhân dân bảo vệ Thủ đô trong thế trận phòng không quốc gia với đầy đủ yếu tố, thành phần, lực lượng, bảo đảm liên hoàn, vững chắc, bất ngờ, hiểm hóc trong điều kiện phòng chống vũ khí công nghệ cao.

Bốn là, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 765-NQ/QUTW ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, huấn luyện lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ sát đối tượng và thực tiễn bảo vệ Thủ đô, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị, phát huy được kinh nghiệm truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam; coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; xây dựng các phương án tác chiến, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, tổ chức kiện toàn, duy trì hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng, tiểu ban, ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từ Thành phố đến cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong phòng thủ dân sự, phòng không nhân dân; quản lý chặt chẽ công trình quốc phòng và khu quân sự, xây dựng hệ thống cơ sở kỹ thuật đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ; phát huy lợi thế, tiềm năng trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật trong công tác quân sự, quốc phòng của Thủ đô trong tình hình mới.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là dịp để quân và dân cả nước nói chung, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô nói riêng ôn lại chiến công hào hùng, một mốc son trong lịch sử dân tộc. Qua đó, giáo dục, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần, sức mạnh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình./.