70 năm giải phóng Thủ đô

Lùm xùm chỉ định thầu tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì tuân thủ Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gói thầu kiểm toán do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư trong thời gian qua lại áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu theo luật định.

Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá trong nước trong công tác đầu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, đã nghiêm cấm việc chia nhỏ dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định pháp luật đấu thầu nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Tuy nhiệm, thay vì tuân thủ Chỉ thị 13/CT-TTg, nhiều gói thầu kiểm toán do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư trong thời gian qua lại áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu theo luật định.
Ký hàng loạt quyết định chỉ định thầu cho một doanh nghiệp trong một ngày
Cụ thể, riêng ngày 27/11/2019, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu cho nhà thầu Công ty Kiểm toán và Định giá Quốc tế.
Các gói thầu mà nhà thầu trên được chỉ định thầu gồm:
- Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km1223+860, Km 1240+972, km 1242+316 (CG), Km 1246+500, Km 1248+520, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1519/QDD-ĐS ngày 27/11/2019)
- Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km1451+404, Km 1453+700, Km 1458+206 Km 1460+473, Km1462+346, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1520/QĐ  ĐS ngày 27/11/2019)
- Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1554+619, Km 1562+720, Km 1557+790, Km 1593+570, Km 1597 +570, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1521/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
- Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 4 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1406+630, Km 1409+387, Km 1415+869, Km 1429+947 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1522/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
- Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1544+229, Km 1545+503, Km 1546 +510, Km 1548+174, Km1549+236 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1523/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
- Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1535+740, Km 1536+543, Km 1538 +850, Km 1541+050, Km1542+055 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1524/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
-  Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 4 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1634+250, Km 1661+805, Km 1666 +955, Km 1671+465, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM (QĐ 1525/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
-  Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1384+025, Km 1395+020, Km 1396+684 Km 1399+603, Km1400+775, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1526/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
-  Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 6 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 1189+880, Km 1191+990, Km 1195+000, Km 1202+970, Km1208+000, Km 1211+783, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1527/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019)
-  Gói thầu số 4: “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành công trình Nâng cấp cải tạo 6 đường ngang, bao gồm: Đường ngang Km 876+356, Km 877+640, Km 880+480, Km 886+020, Km891+886, Km 895+872, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (QĐ 1528/QĐ - ĐS ngày 27/11/2019).
Ngoài ra còn 1 loạt gói thầu khác cùng ký Quyết định vào ngày 27/11/2019. 
 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Theo đó, điểm a Khoản 3 Điều 6 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT thì việc phân chia dự án thành các gói thầu căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu.
Ngoài ra, Điểm c Khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu 2013 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Trong khi điểm chung của những dự toán mua sắm mà chủ đầu tư/Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt chỉ định thầu trong một ngày có giá trị nhỏ, tương tự tính chất công việc là kiểm toán. Thế nhưng lại được Tổng Công ty Được sắt chia nhỏ để áp dụng chỉ định thầu để một công ty trúng thầu.
Khoản 22, Điều 4, Luật Đấu thầu 2013 chỉ rất rõ: gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung.
Chính vì thế, dư luận đang đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý nào để Phó Tổng giám đốc Trần Thiện Cảnh phê duyệt để Công ty Kiểm toán và Định giá Quốc tế trúng thầu hàng loạt các gói thầu kiểm toán thông qua chỉ định thầu? Phải chăng việc chia nhỏ dự toán mua sắm của Tổng công ty Đường sắt như trên để “hợp thức hoá” cho việc áp dụng hình thức chỉ định thầu thuận lợi hơn?
Ngoài ra, theo quan điểm của một chuyên gia trong lĩnh vực đầu thầu, chưa đánh giá hiệu quả kinh tế và tính minh bạch tổ chức lựa chọn nhà thầu của Tổng Công ty Đường sắt đã đúng quy định về pháp luật đấu thầu hay chưa, nhưng cùng một thời điểm Tổng công ty chỉ định 01 nhà thầu trúng thầu hàng loạt các gói thầu thì liệu năng lực và nhân sự chủ chốt của nhà thầu đó có đáp trả ứng yêu cầu của hàng chục gói thầu cùng một thời điểm, nhất là thời gian thực hiện hợp đồng của những gói thầu này đều phải triển khai hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm ký hợp đồng trúng thầu với Tổng Công ty Đường sắt.
Không công khai nhà thầu trượt thầu
Dù có những “hạt sạn” trong quá trình lựa chọn nhà thầu như vậy, nhưng tại một số gói thầu khác do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, sau khi có Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) chủ đầu tư đã không đăng tải công khai. Điều đáng chú ý, văn bản phê duyệt KQLCNT đều do Phó Tổng giám đốc Trần Thiện Cảnh ký duyệt.
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, KQLCNT là một trong những thông tin phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu; Đối với trường hợp tự đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chủ đầu tư/bên mời thầu phải bảo đảm thời điểm tự đăng tải KQLCNT trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt KQLCNT được ban hành (theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015)
Nội dung thông báo KQLCNT được quy định tại Điều 20 Nghị định 63/2014/NĐ-CP bao gồm: tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng; danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu; kế hoạch hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; các nội dung cần lưu ý (nếu có).
Ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, mục đích của việc đưa ra thời hạn đăng tải công khai KQLCNT là để thông báo cho các nhà thầu khác biết là họ trượt thầu, nếu có thắc mắc thì còn kịp thời có văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) trong vòng 10 ngày. CĐT/BMT phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Sau đó, CĐT/BMT mới được ký hợp đồng. Nếu đã thực hiện xong rồi mới đăng tải thông tin thì cố tình đưa các nhà thầu vào tình thế “việc đã rồi”, không đảm bảo công khai, minh bạch, không tạo điều kiện cho các nhà thầu khác, cơ quan khác có ý kiến. Đó là một hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cũng có những chủ đầu tư, vì không đấu thầu một cách minh bạch, cố tình lựa chọn nhà thầu “thân quen”, nên đã loại nhà thầu có đủ năng lực, đáp ứng tốt hơn điều kiện của gói thầu. Và các nhà thầu bị loại nói trên dù có nghi vấn cũng không có đủ thông tin để kiến nghị.
Trường hợp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn cử, 03 gói thầu không được chủ đầu tư công khai KQLCNT gồm các gói thầu thi công xây dựng như: Gói thầu số 01: “Xây lắp thuộc công trình Sửa chữa định kỳ cống Km58+519, tuyến đường sắt Hà Nội- Đồng Đăng”, giá trúng thầu: 1.525.880.000 đồng; Gói thầu số 1: “Thi công xây dựng thuộc công trình Sửa chữa đường sắt và hệ thống thoát nước Xí nghiệp toa xe Sài Gòn tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh”, giá trúng thầu: 11.684.548.000 đồng; Gói thầu số 01: “Thi công xây dựng thuộc công trình Sửa chữa tín hiệu đèn màu vào ga, lắp đặt tín hiệu lặp lại tại phía Bắc ga Đông Tác, phía Nam ga Sông Dinh, phía Nam ga Bảo Chánh tuyến đường sắt Hà Nội- TP Hồ Chí Minh”, giá trúng thầu 1.145.972.000 đồng.
3 gói thầu trên có giá thầu hàng tỷ đồng nhưng chỉ công bố kết quả nhà thầu trúng, không công khai nhà thầu trượt, lý do trượt thế nào đều không được rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!