Lúng túng trong quản lý nghĩa trang, nhà tang lễ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở LĐTB&XH về công tác quản lý sử dụng nghĩa trang, nhà tang lễ và chính sách khuyến khích hỗ trợ hỏa táng trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hiện nay, hệ thống nghĩa trang Nhân dân có tổng quy mô 2.744ha, chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên, trong đó cấp TP quản lý 4 nghĩa trang, cấp huyện quản lý 3 và cấp xã phường quản lý 2.633 nghĩa trang. Trên địa bàn TP có 2 cơ sở hỏa táng đang hoạt động, 18 nhà tang lễ và tiễn biệt.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi làm việc. 	Ảnh: Hà Bình
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Bình
Để quản lý hoạt động các nghĩa trang và nhà tang lễ, từ năm 2010, Sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang tại các quận, huyện, xã, phường còn thiếu đồng bộ, manh mún, nhiều nghĩa trang không có tổ quản trang, không có bộ phận chuyên trách về VSMT, chưa có sơ đồ quản lý mộ, đánh số mộ và thực hiện lưu giữ hồ sơ… Các nghĩa trang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh của DN đầu tư. Trong khi đó, nhiều nghĩa trang thuộc các quận nội thành cũ đều đã quá tải phải đóng cửa hoặc đang có phương án di dời, gây sức ép lớn về quy hoạch, mở rộng nghĩa trang…

Đối với các nhà tang lễ, hiện chủ yếu tập trung tại các khu vực nội thành, có quy mô nhỏ hẹp nên thường xuyên quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, cơ chế quản lý điều hành khác nhau, giá dịch vụ khác nhau, không có cơ quan kiểm tra giám sát nên một số đối tượng lợi dụng để trục lợi…

Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành cho rằng: Quản lý nghĩa trang, nhà tang lễ đang là một vấn đề khó. Bởi các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này hiện rất “mỏng”, như việc quản lý nhà tang lễ chưa có văn bản nào về vấn đề này. Trong khi đó, về nghĩa trang Nhân dân, chính quyền các cấp phải có trách nhiệm quản lý Nhà nước. Nhưng hiện chưa đi vào nền nếp, đồng bộ; cơ sở hỏa táng nhà tang lễ thì lại chịu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp. Rất cần phải khắc phục những tồn tại này mới thực hiện được quy hoạch nghĩa trang đã đề ra.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhận định, đây là vấn đề Nhân dân rất quan tâm, nhưng Nhà nước vẫn lúng túng trong quản lý. Mặc dù TP đã có văn bản phân công trách nhiệm cụ thể cho Sở và các đơn vị, nhưng việc nghiên cứu ứng dụng phương pháp mới trong quản lý nghĩa trang hầu như chưa làm được; văn minh trong các cơ sở tang lễ chưa đảm bảo; mô hình quản lý của từng nghĩa trang cũng rất “tự phát” và không rõ; dịch vụ mỗi nơi mỗi kiểu… Chủ tịch HĐND TP cho rằng, trong nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân do các cấp chính quyền chưa vào cuộc tích cực; vai trò chủ trì của Sở LĐTB&XH chưa chặt chẽ.

Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở LĐTB&XH căn cứ vào quy hoạch nghĩa trang đã được phê duyệt và kế hoạch của TP, rà soát các văn bản liên quan, tham mưu cho TP khắc phục các tồn tại, phân công rõ trách nhiệm, đề xuất cơ chế chính sách. Đánh giá lại toàn bộ việc quản lý nghĩa trang Nhân dân để đưa ra giải pháp điểu chỉnh ngay. Sở LĐTB&XH phải phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, thực hiện thống nhất giá dịch vụ trên địa bàn; xác định rõ vai trò quản lý Nhà nước trên địa bàn với các cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ, đảm bảo văn minh, lịch sự, công khai, minh bạch… Nghiên cứu nguồn vốn và cơ chế để triển khai việc xã hội hóa các cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ, đảm bảo đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 44 nhà tang lễ như quy hoạch.
Qua 6 năm triển khai chính sách hỗ trợ hỏa táng, ngân sách TP đã chi 204 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 55.000 ca. Tỷ lệ hỏa táng trước năm 2010 chỉ có khoảng 6%, nay là 46,8%. Lãnh đạo Sở LĐTB&XH kiến nghị TP tiếp tục cho kéo dài thêm cơ chế khuyến khích hỏa tảng đến năm 2020 hướng tới mục tiêu 90% người dân nội thành và 60% người dân ngoại thành lựa chọn hình thức hỏa táng.