Lúng túng việc dẹp“xe dù, bến cóc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự phát triển phức tạp của nạn “xe dù, bến cóc” tại TP Hồ Chí Minh, ngày 26/5 diễn ra Hội thảo "Giải pháp chống xe dù, bến cóc".

Hội thảo do báo Giao thông và Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; đại diện các sở, ban ngành.... các doanh nghiệp vận tải, bến xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.   

Diễn biến mỗi lúc một phức tạp

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đều cho rằng hiện nay nạn “xe dù bến cóc” tại thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đang diễn biến hết sức phức tạp,
 nhằm giúp cơ quan quản lý, cơ quan thực thi công vụ và chính những doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp quản lý bến xe, xây dựng một thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ luật pháp và an toàn tính mạng khách hàng.

 
Hội thảo thu hút gần 200 người đạn diện cho nhiều ban ngành tham gia.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu tham gia.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên-Tổng Biên tập báo Giao thông, TP Hồ Chí Minh với sức hút của một đô thị đặc biệt, có các trung tâm thương mại và văn hóa lớn nhất trong cả nước, đã thu hút một lượng lớn người và phương tiện đi lại. Hiện TP có 2.098 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 2797 xe buýt và 10.790 xe taxi, xe vận tải hợp đồng là 12.465 xe. Trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải thì TP Hồ Chí Minh địa bàn lớn, phức tạp, có đủ mọi loại hình kinh doanh vận tải với cả những doanh nghiệp thương hiệu mạnh lẫn yếu, trong đó tình trạng ‘‘bến cóc, xe dù“ thì có mặt ở nhiều địa bàn của TP.

“Điều đáng nói hơn cả là “xe dù, bến cóc” hoạt động ngay bên cạnh các bến xe của TP hay ngang nhiên biến một số khu vực trong TP thành điểm đón trả khách, tình trạng này diễn ra thường xuyên“, ông Kiên cho biết.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Việt- Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh lại nhận xét: “Với đặc điểm là Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước nên TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao thương với các tỉnh, thành và khu vực. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và hành khách diễn ra liên tục với nhịp độ hết sức sôi động. Dư luận xã hội hết sức quan tâm là loại hình vận tải khách hoạt động không đúng theo các điều kiện, tiêu chuẩn về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo Luật Giao thông đường bộ và “biến tướng” vận tải khách du lịch bằng ô tô theo Luật Du lịch thường gọi đó là  "xe dù", đi đôi với “xe dù” là các tụ điểm “bến cóc" hoạt động bùng phát vào các dịp lễ, tết là thời điểm mà nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Với những biến tướng như về hình thức, hoạt động "xe dù" được hiểu theo quy định của pháp luật là "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Đăng ký kinh doanh, không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Biểu hiện rất đa dạng như “Ta xi dù", “xe cứu thương dù", xe vận chuyển khách hợp đồng, vận chuyển người gia đình “biến tướng” ...”.

Ông Lê Trung Tính-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cho rằng: “Tình trạng “xe dù, bến cóc” núp bóng khá đa dạng về hình thức và gần như ở “mọi lúc mọi nơi”. Điển hình như, xe chạy tuyến cố định lại lấy trả khách ở ngoài bến bãi qui định như: Xe các tuyến Trà Vinh ở đường Trần Phú, quận 5, với các thương hiệu Thanh Thuỷ, Kim Hoàng; xe tuyến An Giang-Long Xuyên ở đường Nguyễn Hữu Chí (sau lưng Thuận Kiều Plaza) hoặc khu vực cạnh Chợ Thiếc, Q11; Xe thuộc hai thương hiệu  Hoa Mai chạy tuyến Vũng Tàu, hoạt động ở đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1…”

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã chỉ thẳng ra những diễn biến phức tạp của nạn “xe dù, bến cóc”, hiện có cả những xe chạy tuyến cố định có đăng ký bến, hoặc xe hợp đồng cũng tham gia “dù, cóc”…

 Lách luật để 'bát nháo"?

Theo ông Việt, nguyên nhân của nạn “xe dù, bến cóc” bát nháo như hiện nay là do các quy định, biện pháp quản lý chưa được chặt chẽ.

Dẫn chứng cho việc này, ông Việt đơn cử như: Một đơn vị kinh doanh vận tải được phép đăng ký hoạt động với nhiều loại hình vận tải khách hoặc một phương tiện đưa vào hoạt động kinh doanh nhưng lại tham gia nhiều loại hình vận tải: vận chuyển khách theo Hợp đồng; vận chuyển khách du lịch; vận chuyển khách theo tuyến cố định và thực tế có doanh nghiệp hoạt động trên cả 3 loại hình vận tải khách. Từ việc tham gia đồng thời nhiều loại hình vận tải, các doanh nghiệp dễ dàng biến tướng từ xe vận chuyển khách hợp pháp thành “xe dù" như đã nêu trên làm cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, lúng túng. 

“Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Doanh nghiệp, hợp tác xã phải ký hợp đồng với đơn vị bến xe khách và tổ chức vận tải theo đúng phương án khai thác tuyến đã được duyệt..., thế nhưng những trường hợp xe chạy tuyến cố định tự ý bỏ bến để chạy "xe hợp đồng", chạy đón khách ngoài bến hoặc đón khách ở tại nơi bán vé của doanh nghiệp mà không có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải để xử lý hoặc chế tài khi vi phạm theo hợp đồng đã ký kết”, ông Việt cho biết.

 Đồng thời ông Việt cũng cho biết một phần nữa là do các quy định về kinh doanh vận chuyển khách du lịch giữa Luật giao thông đường bộ (năm 2008) và Luật Luật Du lịch (năm 2005) không đồng bộ, tạo nhiều kẽ hở nên việc vận chuyển khách du lịch dễ dàng bị biến tướng. 

Cụ thể như: Luật Giao thông đường bộ quy định tại Khoản 1 Điều 66: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: có 5 loại hình (tuyến cố định; xe buýt, taxi, hợp đồng và du lịch) Trong đó có loại hình Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

Luật Luật Du lịch quy định tại Mục 3, Chương 6 Về Kinh doanh vận chuyển khách du lịch; theo đó tại Điều 57 quy định: Kinh doanh vận chuyển khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách du lịch theo tuyến du lịch, theo chương trình du lịch và tại các khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch. (Luật du lịch mở rộng hơn) nhưng tuyến du lịch thực chất là tuyến cố định nhưng không buộc phải vào bến. Đây là hình thức “lách luật” mà lâu nay dư luận cho rằng đó là “xe dù”.

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường Sắt Công an TP Hồ Chí Minh (PC67) đề xuất, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải nhằm khắc phục những sơ hở mà các đối tượng lợi dụng, núp bóng để kinh doanh vận tải; nghiên cứu, xem xét để có quy định chặt chẽ hơn đối với việc đón trả khách đối với hình thức xe hợp đồng, xe du lịch lữ hành. Cần có chế tài xử phạt mạnh hơn đối với các trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ôtô vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải; Sự phối hợp giữa lực lượng liên ngành; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền…/.