Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng xác nhận an toàn thực phẩm theo chuỗi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tháng Bộ NN&PTNT triển khai hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đến nay, nhiều địa phương vẫn gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Loay hoay thực hiện

Nhằm siết chặt quản lý an toàn thực  phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, ngày 20/7/2016, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Mục đích của việc xác nhận là khẳng định sản phẩm đưa đi tiêu thụ đã được cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ quan chức năng kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi. Người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi thông qua giấy xác nhận và logo nhận diện. Hoạt động này còn tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm về ATTP. Thông qua đó sẽ góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, từng bước giảm thiểu quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 quy định giám sát ATTP nông lâm thủy sản. Đây là những căn cứ quan trọng cho các địa phương triển khai giám sát chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Kiểm tra chất lượng rau quả tại siêu thị Big C. Ảnh: Quang Thiện
Kiểm tra chất lượng rau quả tại siêu thị Big C. Ảnh: Quang Thiện
Đối với Hà Nội, từ khi triển khai đợt cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay, Sở NN&PTNT đã thí điểm xác nhận được 11 điểm bán sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi gồm 5 điểm bán rau và 6 điểm bán thịt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh – Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Long Biên chia sẻ, các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lấy mẫu xét nghiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có căn cứ xử phạt nếu vi phạm. “Nếu không xử phạt thì không giải quyết được vấn đề” – ông Vĩnh khẳng định.

Cùng với đó, kinh phí lấy mẫu giám sát ATTP hiện nay đang là bài toán đối với nhiều địa phương bởi chi phí lớn. Bà Phạm Thị Lan Phương – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân cho biết, hàng tháng, quận đều tiến hành lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Song hiện nay, việc lấy mẫu chủ yếu là test nhanh, việc phân tích, kiểm nghiệm sâu còn hạn chế và chưa có  kinh phí kiểm tra. Trong khi đó, sản phẩm nông sản thực phẩm lại rất nhiều chủng loại từ rau, củ, quả đến thịt, thủy sản… Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc cấp và quản lý giấy chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi như thế nào cho hiệu quả, minh bạch.

Tích cực vào cuộc

Theo quy định, sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi liên kết phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Số liệu mới nhất của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến nay, cả nước có 88 điểm bán sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi, tăng 19 điểm so với lúc bắt đầu triển khai hồi tháng 5/2016. Có thể nói, việc xác nhận sản phẩm theo chuỗi góp phần không nhỏ tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng sau nhiều sự cố về thực phẩm “bẩn”.

Ông Ngô Đình Loát – Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội) cho biết, danh mục cơ sở và sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi hay hủy bỏ xác nhận sẽ thường xuyên được đăng tải công khai. Đối với giấy xác nhận sẽ được đánh số nhận diện để quản lý. Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát sau xác nhận sẽ được thực hiện nghiêm nhằm đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, đúng chất lượng.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, nhằm giúp các địa phương triển khai xác nhận sản phẩm theo chuỗi, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP, phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã. Đồng thời hỗ trợ, đôn đốc các địa phương triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý giết mổ, sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn. Trong đó, đối với các huyện, thị xã tập trung xây dựng các chương trình, dự án phát triển sản xuất ban đầu an toàn, còn các quận nội thành thí điểm xây dựng các điểm bán thực phẩm an toàn, tuyến phố ATTP…
Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi không tuân thủ quy định hoặc mẫu kiểm nghiệm không đạt yêu cầu ATTP sẽ bị hủy bỏ xác nhận đối với sản phẩm, công khai và xử lý theo quy định.

Ông Ngô Đình Loát Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội