Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 để đạt được tỉ lệ 75% vẫn phải đủ 30 năm đóng BHXH và nếu đóng 20 năm thì nhận 45%.
Theo thống kê có khoảng 3.000 lao động nữ bị tác động từ chính sách này. Theo ông Thọ, BHXH Việt Nam đã có báo cáo về điều chỉnh cách tính lương hưu của lao động nữ để tương đồng với nam nhưng quyết định cuối cùng thuộc thẩm quyền của quốc hội.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã có những hoạt động quyết liệt, thu được nhiều kết quả khả quan. Một trong 10 thành tựu nổi bật của BHXH Việt Nam trong năm qua chính là việc thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng vọt, thay đổi từng ngày. Tính đến tháng 12/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 13,52 triệu người, tăng hơn 1 triệu người so với năm 2016. Tuy nhiên, việc người dân tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế. Để khuyến khích người dân đóng BHXH tự nguyện, từ 1/1/2018, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho đối tượng tham gia từ 10% đến 30% tuỳ vào từng hoàn cảnh được căn cứ chuẩn nghèo nông thôn theo quy định.
Về vấn đề nợ BHXH, ông Phạm Lương Sơn cho biết, số tiền nợ BHXH năm 2017 là 5.737 tỷ đồng, chiếm 3,0% số kế hoạch thu BHXH do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016, việc nợ đọng kéo dài đã có nhiều cải thiện.