Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lương hưu và công bằng

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh sau 37 năm công tác, khi nghỉ hưu được nhận khoản lương 1,3 triệu đồng/tháng đang được dư luận quan tâm.

Cùng thời điểm, thông tin về việc một cá nhân được nhận khoản lương hưu hàng tháng lên đến hơn 100 triệu đồng càng khiến dư luận có sự so sánh.
Tuy nhiên, những con số về mức lương hưu hàng tháng chỉ đơn thuần là những kết quả, còn phía sau là những nội dung phức tạp: Quá trình đóng bảo hiểm của mỗi người, quá trình hình thành quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), quá trình hình thành các chính sách về lương hưu cho những đối tượng khác nhau...
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Với câu chuyện của nữ giáo viên mầm non, mặc dù có 37 năm công tác, tuy nhiên thời gian đóng bảo hiểm của cô giáo Lan chỉ là 22 năm 8 tháng. Bên cạnh đó suốt quãng thời gian tham gia BHXH, việc đóng bảo hiểm luôn dựa trên nền lương của giáo viên mầm non nên khá thấp. Tóm lại, tổng số tiền đóng BHXH của cô giáo Lan không cao, điều này là nguyên nhân dẫn đến tiền lương hưu chỉ là 1,3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, mức 1.300.000 đồng vẫn chưa phải là mức thấp nhất. Theo BHXH Việt Nam, cả nước còn có hơn 3.200 người đang nhận lương hưu bằng và thấp hơn mức 1.300.000 đồng/tháng. Những người lao động này cũng chủ yếu có thời gian dài đóng BHXH ở mức thấp nên khi nhận lương hưu cũng chỉ dưới mức lương cơ sở.
Trong số đó có hơn 720 nông dân ở Nghệ An tham gia BHXH tự nguyện với mức lương hưu nhận được 350.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng.
Mức lương 350.000 đồng/tháng khó có thể đảm bảo mức sống hiện tại, tuy nhiên từ một góc độ nào đó, có lẽ đây vẫn là những nông dân may mắn bởi đa số “đồng nghiệp” của họ ở khắp mọi miền đất nước thậm chí chưa bao giờ được nhận lương hưu.
Ngược lại, người hưởng lương hưu hơn 100 triệu đồng, đã tham gia BHXH trong 23 năm 3 tháng. Trước năm 2006, số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, ông đóng 69 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng bảo hiểm được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở. Mức đóng của người này trong những năm còn lại tính trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng. Và đây là trường hợp một người làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, một tỷ lệ rất nhỏ trong số các lao động ở Việt Nam.
Từ những con số thể hiện việc đóng BHXH cũng như việc hưởng lương hưu cho thấy BHXH đang thực hiện nguyên tắc “đóng và hưởng”, theo đó người đóng BHXH với mức cao và thời gian tham gia bảo hiểm dài sẽ hưởng lương hưu cao và ngược lại.
Cùng với đó, câu chuyện lương hưu và quỹ BHXH cũng là một câu chuyện dài của việc hình thành và vận hành những định chế tài chính.
Trước năm 1995 chỉ có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở khu vực Nhà nước mới được hưởng các chế độ BHXH. Tất cả những người về hưu trước năm 1995, hoặc những người đóng BHXH trước năm 1995 đều hoàn toàn do kinh phí từ ngân sách Nhà nước bao cấp.
Từ năm 1995, BHXH Việt Nam được thành lập và từ đây, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng ra với cả người lao động có quan hệ lao động ở khu vực ngoài nhà nước theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP của Chính phủ.
Bài toán thu chi cho quỹ được đặt ra, nhưng tất nhiên điều này không thể thực hiện ngay một sớm một chiều vì nguồn tích lũy của quỹ từ việc thu BHXH trước năm 1995 là hoàn toàn chưa có.
Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật BHXH và bắt đầu thực hiện quan điểm đổi mới cải cách hệ thống chính sách BHXH. Trước đây, tiền lương xác định tính công thức lương hưu cho người về hưu đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45%.
Tuy nhiên, 15 năm đóng này chỉ tương đương với mức hưởng 38%. Có nghĩa là Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho người lao động 7% để đạt mức lương hưu 45%.
Cùng với thời gian, Luật BHXH đã có nhiều sửa đổi nhằm hướng tới nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, cùng với lộ trình đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng vào quỹ BHXH, khắc phục tình trạng mất cân bằng của quỹ. Trên nguyên tắc đóng hưởng, Nhà nước không thể luôn luôn phải bù ngân sách để chi trả cho quỹ BHXH mà chỉ bảo hộ khi có biến cố xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.
Cuối cùng, một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng lượng hưu của nhiều lao động ở mức thấp, không đảm bảo đời sống, là do năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực cũng như thế giới.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.
Bên cạnh đó tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam hiện đang là khá sớm so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong khi nhiều nước trên thế giới quy định tuổi hưu là 65, 67; nước ta vẫn giữ quy định tuổi nghỉ hưu với nữ là 55 và nam là 60. Đó là chưa kể có nhiều quy định cho những đối tượng đặc thù được nghỉ hưu sớm hơn nữa.
Trở lại với bài toán “đóng - hưởng”, với nền kinh tế năng suất lao động thấp, người lao động nghỉ hưu sớm, nâng mức lương hưu trong thời gian trước mắt là điều không dễ. Giải pháp lâu dài nhất là phải nâng cao năng suất lao động của cả nền kinh tế và năng suất của mỗi người lao động.