Trước đó, nữ diễn ghi dấu ấn qua những nhân vật có tính cách mạnh mẽ, vượt lên số phận trong phim “Những cô gái trong thành phố”, “Hướng dương ngược nắng”, “Mùa Xuân ở lại”... Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Lương Thu Trang về cuộc sống và những trăn trở trong nghề diễn.
Bộ phim "Trạm cứu hộ trái tim" khi lên sóng đã trở thành đề tài gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như các diễn đàn về phim ảnh. Phim chứa nhiều tình tiết phi lý, cách xây dựng tuyến nhân vật phản diện quá tàn nhẫn, thậm chí bị cho là mất nhân tính... Chị đóng vai An Nhiên trong phim, một cô gái sẵn sàng để bạn trai đi cưới một người phụ nữ khác trong kế hoạch trả thù. Việc đảm nhận một vai phản diện và đứng giữa nhiều tranh cãi, cảm giác của Lương Thu Trang là gì?
- Ngay từ đầu, khi tôi được đọc kịch bản, tôi đã biết tuyến nhân vật này sẽ nhận được rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên tôi cảm thấy điều đó xứng đáng để mình hy sinh. Bao nhiêu năm qua, tôi đã cố gắng xây dựng cho mình một hình ảnh thân thiện trong mắt khán giả. Tuy nhiên, tôi không muốn bản thân mình đi theo một lối mòn, cứ mãi chạy theo một dạng vai. Là một nghệ sĩ, ai cũng muốn sẽ được thử sức với nhiều dạng vai, sống được nhiều cuộc đời của nhiều số phận. Tôi cũng vậy, tôi muốn thử sức với những điều mà mình chưa từng được làm. An Nhiên là một nhân vật mà tôi đã hy sinh và hy vọng rất nhiều.
Đóng vai phản diện với những sắc diện, tính cách đa màu sẽ giúp tôi khám phá bản thân nhiều hơn, vượt ra khỏi ranh giới an toàn.
Chị có lường được hết những “cái giá phải trả” cho dạng vai phản diện?
- Trước tiên tôi muốn nói về những cái tôi nhận được khi đóng vai phản diện An Nhiên. Vai diễn giúp tôi có được thêm nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm. Còn điều mà tôi phải hy sinh cho vai diễn, có lẽ tôi sẽ mất một lượng khán giả nhất định. Tuy nhiên, điều đó không sao cả, bởi vì tôi sẽ không mãi đóng một tuyến nhân vật chính diện, cũng không mãi đóng một tuyến nhân vật phản diện.
Khi vai phản diện nhận những ý kiến trái chiều, tôi lại thấy vui thay vì áp lực hay ức chế. Áp lực đương nhiên cũng có, một chút. Dù vậy, tôi không để tâm quá nhiều, bởi vì tôi đã lường trước được tranh cãi, dư luận khi đảm nhận vai này. Điều đó cho thấy khán giả vẫn rất quan tâm và dành khoảng thời gian quý báu của mình để xem phim. Tôi thấy may mắn khi khán giả vẫn xem và góp ý cho phim. Đối với nhân vật An Nhiên, tôi được nhiều hơn là mất.
Thực tế cho thấy, khi đảm nhận tuyến phản diện - diễn viên sẽ có nhiều đất diễn hơn, họ được thể hiện những nét tính cách thậm chí là chưa bao giờ biết đến, được thể hiện góc tối tâm lý phức tạp, qua đó bộc lộ được rõ nét hơn tài năng của bản thân. Chị có nghĩ như vậy?
- Điều đó rất đúng. Bản thân tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm nên một An Nhiên như bây giờ. Tôi không dám nhận mình làm tốt, nhưng đến giờ, tôi đã cố gắng hết sức mình với An Nhiên. Tôi gác lại tất cả những điều tiêu cực và chỉ hướng đến những giá trị tốt đẹp để mình có thêm động lực làm việc.
Mạng xã hội có được xem là thước đo về “độ hot” của một dự án phim không, theo chị?
- Có thể nói là đúng. Hiện tại, phim truyền hình đa số là vừa viết kịch bản vừa quay. Mục đích là biên kịch muốn thăm dò ý kiến của khán giả, xem khán giả đón nhận và phản ứng thế nào. Từ đó, họ có thể bám vào những điều khán giả muốn, hoặc tạo ra những cú twist khiến khán giả bất ngờ.
Khán giả ngày càng nhạy bén, thông minh và có khả năng thẩm định kịch bản, chất lượng phim rất giỏi. Tôi bất ngờ khi khán giả xem phim và có thể đoán được trước được tình tiết của bộ phim. Mạng xã hội cũng là công cụ rất cần thiết cho phim truyền hình. Đó là sự kết hợp, tương tác để giúp bộ phim giữ được sức hút.
Suy nghĩ của chị khi khán giả phản ứng với kịch bản phim, với cách xây dựng quá nhiều drama, kéo theo đó, nhiều tình tiết bị cho là vô lý, thiếu thuyết phục?
- Bộ phim nào cũng phải tạo được một cái dấu ấn nhất định. Đó có thể là sự tò mò của khán giả, sự bức xúc của khán giả và kèm theo là sự hài lòng của khán giả. Tôi nghĩ không có gì là vô lý, chỉ là khán giả có đủ kiên nhẫn để đi đến cuối bộ phim, để lắng nghe và xem những chi tiết được lý giải. Những tình tiết khiến khán giả bức xúc vì bộ phim "Trạm cứu hộ trái tim" có quá nhiều mâu thuẫn nảy sinh và nội dung phức tạp. Nhưng tôi có thể nói rằng tất cả các tuyến nhân vật đều có động cơ, có lý do.
Đơn cử như nhân vật An Nhiên, không phải vô lý mà cô ấy sẵn sàng sống bên cạnh một người đàn ông và dâng hiến người đàn ông đó cho một người phụ nữ khác. Bản chất tốt, nhưng do hoàn cảnh tạo nên thay đổi, An Nhiên là một nhân vật như thế. Thực ra, sâu thẳm trong một người phụ nữ, đặt mình vào vị trí An Nhiên, tôi thấy An Nhiên đã yêu hết mình, đã hy sinh hết mình, tuy nhiên cô ấy chưa nhận lại xứng đáng với những gì mà cô ấy cho đi. Từ đó sân hận trong cô ấy đã nảy sinh.
Hiện, phim "chữa lành" đang trở thành xu hướng. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc có hàng loạt phim chữa lành gây bão màn ảnh với những câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng. Phim chữa lành được yêu thích khi không có nhân vật phản diện, chỉ xoay quanh câu chuyện về tình yêu thương giữa những con người. Chị nghĩ thế nào về xu hướng này và có cho rằng, mảng đề tài này đang thiếu trên sóng giờ vàng hiện này?
- Cá nhân tôi lại thích những bộ phim "drama". Phim Việt vẫn có những đề tài chữa lành, có thể là chưa tiếp cận được khán giả.
Phim ảnh của mỗi quốc gia đều có xu hướng phát triển khác nhau. Phim truyền hình Việt vẫn đang mang đến những nội dung phù hợp với khán giả Việt. Có thể, lượng kịch bản của chúng ta chưa dồi dào nên phần nào đang bị bó hẹp vào những kịch bản mà trước giờ khán giả đã thấy quen thuộc.
Chị bước qua đổ vỡ hôn nhân khi tuổi còn rất trẻ. Ai đó nói rằng, phụ nữ sau khi ly hôn sẽ đẹp hơn và yêu bản thân hơn, điều đó có đúng với chị?
- Rất đúng với bản thân tôi.
Nếu chia sẻ về cuộc sống hiện tại, cách nhìn nhận về hôn nhân và hạnh phúc sau sóng gió, chị sẽ nói điều gì?
- Trước đây, tôi nghĩ rằng mình phải có cái này, phải có cái kia, phải đạt được cái nọ, phải hơn người khác thì mới là hạnh phúc. Tôi của trước đây đã vạch cho mình quá nhiều mục tiêu, quá nhiều tham vọng, và tôi cũng khổ sở vì muốn đạt được những thứ đó.
Hai năm qua, tôi có nhiều thăng trầm và trải nghiệm. Bây giờ, tôi nghĩ rằng mình cứ thấy đủ là thấy vui. Chỉ cần mình không thấy đau đầu, mệt mỏi là hạnh phúc rồi. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi sống vui vẻ, không có gì ràng buộc và cũng không có điều gì khiến mình quá khao khát phải đạt được.
Hạnh phúc là có công việc ổn định, con cái, gia đình mạnh khỏe, bản thân mình cũng mạnh khỏe và đặc biệt là mình được làm công việc yêu thích.
Chị muốn trở thành một người phụ nữ như thế nào?
- Một người phụ nữ tham vọng là tôi của ngày trước. Thời điểm tôi mới bước vào tuổi trưởng thành, bắt đầu được làm người lớn, bắt đầu được lo cho gia đình thì tôi nghĩ rằng, bờ vai của mình phải thật rộng để lo lắng cho tất cả mọi người trong gia đình. Lúc ấy tôi nghĩ mình phải có cái này, phải có cái kia thì mới lo toan được.
Bây giờ, tôi cứ nhẹ nhàng đón nhận. Sau tất cả, cuộc sống của tôi đơn giản và bình dị hơn trước nhiều. Quan điểm về hạnh phúc cũng giản đơn, bình dị.