Lượng tiền giả thu giữ giảm 23%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) cho thấy, lượng tiền giả thu giữ trong Quý III năm 2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước giảm 9,6% so với Quý II và giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.

Kinhtedothi - Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) cho thấy, lượng tiền giả thu giữ trong Quý III năm 2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước giảm 9,6% so với Quý II và giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Ảnh minh họa.
Lượng tiền giả thu giữ giảm 23%. Ảnh minh họa.
Theo kết quả phân tích của NHNNVN, cho đến nay, các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay hoặc mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng, như hình bóng chìm, mực đổi màu, yếu tố hình ẩn (DOE)...

Mặc dù vậy, nếu người tiêu dùng không nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt thì vẫn có thể gặp rủi ro do nhận phải tiền giả.

Vì vậy, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả.

Để biết rõ hơn thông tin về tiền Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có thể truy cập vào website của NHNNVN.

Cách phân biệt tiền polymer thật - giả

Tiền giả có màu sắc nhạt hoặc đậm hơn, hình ảnh, họa tiết không sắc nét, tinh tế như tiền thật... Hầu hết các loại tiền giả hiện nay, người tiêu dùng đều có thể kiểm tra, nhận biết bằng tay và mắt.

Để phòng ngừa rủi ro, người tiêu dùng cần có thói quen kiểm tra, quan sát cẩn thận đồng tiền khi giao dịch và nắm vững các yếu tố bảo an cơ bản trên đồng tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn, trong đó lưu ý một số yếu tố sau:

Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền hình chân dung tinh xảo, sắc nét; khu vực có hình chân dung sáng hơn nền xung quanh.

Ở tiền giả: Không có hình bóng chìm hoặc chỉ là hình mô phỏng thô sơ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dùng tay vuốt nhẹ lên tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (dòng chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...), ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này.

Ở tiền giả: Chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) trên mặt trước tờ tiền, ở tiền thật yếu tố OVI có hiệu ứng đổi màu từ vàng sang xanh lá cây.

Ở tiền giả: OVI không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật.

Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền: kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn (ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo); kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng.

Ở tiền giả: Không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn hoặc chỉ là các nét thô, không tạo thành hình các con số tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn.