Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lương tối thiểu ở Việt Nam: "Méo mó" vì phải gánh nhiều trọng trách

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Trên thế giới, lương tối thiểu được coi là một công cụ đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong thu nhập và đảm bảo phân chia thành quả kinh tế công bằng.

Thế nhưng ở Việt Nam, lương tối thiểu không chỉ quan trọng với người lao động mà còn có “sức nặng” vô cùng lớn đối với doanh nghiệp. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế.
Lương “chạy” nhanh hơn năng suất
Theo báo cáo của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa được công bố, trong khi năng suất lao động của Việt Nam 10 năm trở lại đây (2004-2015) chỉ đạt 4,4% nhưng tỷ lệ tăng trưởng bình quân của tiền lương đã đạt 5,8%. Những chỉ số này khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại tăng lương "chạy" nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
 (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, việc tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động dẫn tới nhiều tác động tiêu cực, làm giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Hơn nữa, nếu coi tăng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ sẽ không phát huy được hiệu quả,” ông Nguyễn Đức Thành nói.
Các chuyên gia cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Thậm chí, để tăng năng suất lao động doanh nghiệp sẽ thay đổi phương thức sản xuất và người lao động sẽ có nguy cơ mất việc.
Ông Nguyễn Đức Thành lo ngại rằng để giảm chi phí lao động, các doanh nghiệp sẽ sử dụng ngày càng nhiều máy móc thay vì sử dụng lao động như trước kia. Việc lương tăng như vậy sẽ làm nhiều người lao động bị mất việc, phải ra khỏi thị trường lao động hơn.
Lương tối thiểu trở nên “méo mó”
Ở Việt Nam, mỗi khi tăng lương tối thiểu thì câu hỏi "liệu năng suất lao động có tăng tương ứng không?" luôn được đặt ra. Thế nhưng, một số chuyên gia lại cho rằng, việc gắn mức tăng lương với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay là sự so sánh khập khiễng.
 (Ảnh minh họa: Thanh Long/TTXVN)
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phân tích, năng suất lao động chúng ta hay đề đề cập đến là năng suất lao động xã hội hay năng suất lao động công nghiệp?
“Trong khi tiền lương tối thiểu đang điều chỉnh hàng năm là trong khu vực công nghiệp thì buộc phải so sánh với năng suất lao động công nghiệp. Không thể so sánh tiền lương tối thiểu trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội. Đây là sự so sánh khập khiễng!” ông Mai Đức Chính nói.
Theo ông Mai Đức Chính, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp xây dựng hai hệ thống bảng lương, trong đó, một bản lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội.
“Các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, vì thế tiền lương tối thiểu trở nên ‘méo mó’,” ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Làm rõ hơn về “nhiệm vụ’ của lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, tiền lương tối thiểu như một công cụ để đảm bảo an sinh xã hội, áp dụng cho số lao động làm việc bình thường nhất, có kỹ năng bình thường nhất ở mức tối thiểu.
“Còn đối với thang bảng lương tại doanh nghiệp lại là câu chuyện giới chủ đàm phán với công đoàn. Hiện nay, trên thế giới vẫn có hơn 100 nước áp dụng cơ chế thỏa thuận lương tối thiểu hằng năm,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Lương tối thiểu là tiền lương của người lao động làm công việc đơn giản nhất, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động hoạt động trong điều kiện bình thường, chứ không phải tiền lương dành cho toàn bộ lực lượng lao động. Thế nhưng, có vẻ như với một nền kinh tế mà tiền lương doanh nghiệp chi trả cho người lao động vẫn đang “quanh quẩn” mức lương tối thiểu thì tiền lương tối thiểu đang phải “gồng gánh” quá nhiều trọng trách.
Có lẽ, chỉ khi nào mức lương bình quân của người lao động vượt xa mức lương tối thiểu thì khi đó tiền lương tối thiểu mới có ý nghĩa đơn thuần chỉ là công cụ để đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng./.