Lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử

Trọng Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Đào Trình vừa ra mắt một công trình giá trị, nhiều ý nghĩa. Đó là ấn phẩm sách ảnh “Những năm tháng không quên”.

 
Với 120 bức ảnh, phần lớn chưa được công bố, chọn lọc từ hàng trăm thước phim, tác giả đã ghi lại khoảnh khắc của những con người, vùng đất gắn liền với chặng đường 20 năm lịch sử hào hùng của dân tộc, từ những Ngày đầu Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Sinh năm 1934 tại Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Trình theo học nghề từ năm 16 tuổi. Từ đam mê của tuổi trẻ, nhiếp ảnh trở thành nghiệp của chàng trai Hà Nội hào hoa, say mê tìm tòi, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của con người, cuộc sống. Liên tục từ năm 1950 khi bắt đầu công tác ở phòng Nhiếp ảnh Liên khu 3 (Thọ Xuân, Thanh Hóa); năm 1954 là phóng viên ảnh Sở VH&TT Hà Nội, rồi phóng viên ảnh Xưởng phim đèn chiếu T.Ư; dù ở chiến trường Khu 4 khốc liệt, lúc làm nhiệm vụ chi viện sang nước bạn Lào, Campuchia... rồi lại trở về Xưởng phim đèn chiếu T.Ư cho đến năm 1983 nghỉ hưu, chiếc máy ảnh như một phần cơ thể của ông.
Được hòa mình vào hiện thực cuộc sống sôi động, hào hùng trên nhiều vùng miền của đất nước là điều kiện để tâm hồn, con mắt nhạy cảm, tinh tế của người phóng viên, nghệ sĩ Đào Trình nắm bắt, ghi lại nhưng khoảnh khắc qua ống kính nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, khắc họa sinh động, vẻ đẹp của những con người bình dị, đời thường trong lao động, đời sống nhưng rất anh dũng, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là những thời khắc hào hùng của đoàn quân bộ đội cụ Hồ tiến về Hà Nội, Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, giữa rừng cờ hoa chào đón của người dân; là khung cảnh thanh bình, cổ kính của tháp rùa Hồ Gươm, của Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám)... trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
 
Những bức hình được xem là ''di sản'' sử học của phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Trình trong sách ảnh ''Những năm tháng không quên''.

Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt là năm 1972, khi Mỹ đưa B52 mang bom hủy diệt miền Bắc hiện lên qua những bức ảnh ghi lại cảnh hoang tàn, đổ nát của các khu dân cư, nhà máy xi măng, chợ Sắt... của TP Hải Phòng. Và chính trong những lúc gian khổ, ác liệt nhất càng làm sáng ngời khí phách, vẻ đẹp anh hùng của những chàng trai, cô gái, các lão dân quân Thanh Hóa, Quảng Bình trên trận địa pháo.

Sáng ngời vẻ đẹp của những người công nhân miệt mài thi đua lao động trong các phân xưởng, nhà máy ở Hải Phòng, công trường khai thác than ở Quảng Ninh, của những nông dân, những cháu thiếu nhi trên những cánh đồng. Ngoài ra, bức ảnh còn thể hiện nét hồn nhiên của các cháu, sự đôn hậu, dịu dàng của các cô giáo trong các lớp học...

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Xuân Thắng đánh giá: “Công trình sách ảnh “Những năm tháng không quên” của phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Trình còn là nguồn “di sản” để các nhà sử học, các nhà khoa học xã hội, những ai muốn tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu về sinh hoạt, nét văn hóa độc đáo thời chiến. Mỗi nhân vật của một thời quá khứ, mỗi hạt mầm mang sự sống mãnh liệt nơi từng bức ảnh sẽ là nhân chứng, vật chứng mãi trường tồn với lịch sử”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần