Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lưu ý cách sử dụng khi mua thiết bị phòng cháy, chữa cháy

Trần Chấn Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua vụ cháy tại chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) khiến người dân có tâm lý bất an. Nhiều người đổ xô tìm mua các thiết bị phòng cháy, chữa cháy để chủ động trong việc ứng phó với hỏa hoạn

Bàng hoàng sau vụ cháy này, nhiều gia đình tự xem lại điều kiện chữa cháy, hay ít ra là khả năng thoát nạn khi lỡ nhà, căn hộ, nơi cư trú… của mình xảy ra cháy nổ. Từ đó, nhiều người đổ xô mua sắm những thiết bị như: bình chữa cháy, mặt nạ phòng khói, thang dây...

Xem ra câu “mất bò mới lo làm chuồng” phù hợp với hoàn cảnh này nhất. Dù muộn nhưng là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã thật sự quan tâm đến việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Anh Hoài Nam tự tin với mặt nạ chống độc mới mua
Anh Hoài Nam tự tin với mặt nạ chống độc mới mua

Tại nhóm zalo chung của chung cư Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP Hồ chí Minh), nhiều người cho biết đã mua được thang dây và mặt nạ chống độc.

Theo tìm hiểu của PV báo Kinh tế và Đô thị. Thật ra, từ việc mua sắm trang bị đến việc sử dụng hiệu quả có một khoảng cách không hề nhỏ.

Cư dân chung cư Bàu Cát 2, (phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chi Minh) diễn tập phòng cháy, chữa cháy
Cư dân chung cư Bàu Cát 2, (phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chi Minh) diễn tập phòng cháy, chữa cháy

Ở nhiều chung cư, định kỳ đều có chương trình huấn luyện, diễn tập phòng cháy, chữa cháy, trong đó có giả định tình huống xảy ra vụ cháy mọi người tùy theo nhiệm vụ được phân công phải thực hiện thành thạo theo phương án chữa cháy đã được biên soạn. Việc diễn tập được thực hiện hàng năm nhưng lần nào cũng có sai sót. Khi thì cầm bình chữa cháy xịt vào khay xăng đang cháy, mãi mà không dập được lửa. Có khi thì cầm bình lên mới thấy không còn sử dụng được nữa. Có lúc mở thang dây thì thang không bung ra được. Cầm mặt nạ thì không biết mở nắp ra sao vì mỗi loại có cách mở khác nhau.

Ngay cả giả định tình huống có cháy phải chạy ra cầu thang thoát hiểm mà cứ chạy lung tung không đúng như phương án quy định cháy phía nào, chạy thoát hiểm bằng cầu thang nào.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân, tại các chung cư đều có phân công bộ phận bảo vệ phụ trách luôn công tác phòng cháy, chữa cháy để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở toàn thể cư dân.

Còn ở gia đình khi đã có trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn trong nhà rồi cũng cần có kế hoạch định kỳ kiểm tra các thiết bị được mua sắm đó. Mọi người trong gia đình đều phải biết và thuộc nằm lòng cách dùng chúng. Cách sử dụng cần phải được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, tốt nhất là kết hợp với kiểm tra khi có mặt đông đủ các thành viên trong nhà. Nên giả định tình huống để diễn tập sử dụng. Ai cũng phải thành thạo vì biết đâu khi có cháy chỉ có một mình ở nhà.

Khi trang bị những thiết bị chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn chắc là không ai muốn sẽ sử dụng đến nó. Dẫu biết rằng trang bị để yên tâm, nhưng chỉ yên tâm thật sự khi trang thiết bị đó luôn sẵn sàng để sử dụng và mọi người đều phải biết cách sử dụng nó.