Thiếu cân bằng calo
Cách bạn cân bằng lượng calo nạp vào cơ thể và lượng calo bạn tiêu thụ mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đối với cân nặng của bạn. Nếu bạn ăn quá nhiều nhưng luyện tập quá ít, bạn sẽ có nguy cơ tích tụ mỡ thừa rất cao, bao gồm cả mỡ bụng.
Nguyên nhân chủ yếu gây béo phì ở nam giới hiện nay là việc dành nhiều thời gian ngồi làm việc. Khi chúng ta ngồi nhiều, cơ bắp sẽ không có cơ hội vận động, mỡ không có cơ hội bị đốt cháy. Do đó, bạn cần giảm lượng calo cung cấp cho cơ thể và tập thể dục để giảm cân. Một số bài tập giảm cân tiêu biểu và đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà có thể nói đến chẳng hạn như động tác squat cơ bản, plank khuỷu tay, gập bụng, hít đất.
Để có thể giảm mỡ bụng tốt hơn, các chuyên gia khuyến khích bạn nên tập luyện các động tác này mỗi đêm trước khi ngủ. Bạn chỉ cần kiên trì thực hiện mỗi động tác từ 10–20 lần, riêng với động tác plank khuỷu tay là 40 giây cho một lần và thực hiện hai lần mỗi tối, bạn sẽ nhận ra được sự khác biệt rõ ràng ở cơ thể mình trong thời gian ngắn.
Lão hóa theo thời gian
Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là một nguyên nhân dẫn đến lượng mỡ bụng tăng cao. Khi cơ thể dần lão hóa, bạn sẽ mất dần đi một số cơ, đặc biệt là nếu bạn không thường xuyên vận động. Việc mất đi một lượng cơ sẽ giảm thiểu lượng calo mà cơ thể bạn tiêu thụ mỗi ngày. Điều này sẽ khiến việc duy trì cân nặng lành mạnh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo như Các hướng dẫn về chế độ ăn uống cho người Mỹ năm 2015–2020, đàn ông ở độ tuổi 50 chỉ cần nạp vào cơ thể một lượng calo ít hơn 200 calo so với những người đàn ông ở độ tuổi 30. Nguyên nhân là do việc thiếu hụt cơ ở người lớn tuổi.
Thường xuyên hút thuốc lá
Tạp chí PloS cho biết những người hút thuốc dễ bị mỡ bụng, mỡ nội tạng. Hút thuốc làm mỡ có xu hướng di chuyển vào vùng bụng. Khi người hút thuốc bị tăng cân, họ có số đo vòng 2 lớn hơn người không hút thuốc. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của họ cũng cao hơn.
Nạp nhiều chất béo chuyển hóa (trans fat)
Theo Men's Health, chất béo chuyển hóa mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe đường ruột. Loại chất béo này góp phần tích cực gia tăng kích thước vòng eo. Trong nghiên cứu kéo dài 6 năm tại Đại học Wake Forest (Bắc Carolina, Mỹ), các nhà khoa học cho 2 nhóm khỉ ăn thực đơn khác nhau. Nhóm có chế độ ăn 8% chất béo chuyển hóa mang nhiều hơn 33% mỡ bụng so với nhóm có chế độ ăn 8% chất béo không bão hòa đơn.
Ăn uống kém lành mạnh
Thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, soda, nước trái cây tổng hợp dễ gây tăng cân. Chúng còn làm chậm quá trình trao đổi chất, giảm khả năng đốt cháy chất béo. Ngoài ra, chế độ ăn ít protein, nhiều tinh bột qua tinh chế cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng.