Thiếu nhân lực chuyên môn cao tại tuyến y tế cơ sở
Vừa qua, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đối với Sở Y tế và một số đơn vị bệnh viện, y tế quận, huyện, thị. Qua giám sát cho thấy thực trạng khó khăn chung đó là chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút cũng như giữ chân nhân lực chất lượng cao về tuyến y tế cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, ngành y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (gồm 579 trạm y tế, 4 nhà hộ sinh, 53 phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở điều trị Methadone). Đội ngũ nhân lực trực thuộc 30 trung tâm y tế và 579 trạm y tế với nhiệm vụ đa chức năng vừa khám, chữa bệnh vừa thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng tại địa bàn.
"Mặc dù nhân lực y tế cơ sở đã được tuyển dụng đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng cần nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ cán bộ y tế-nhất là bác sỹ có tăng tuy nhiên còn chậm, chưa theo kịp tuyến thành phố; còn thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao, bác sỹ có trình độ sau đại học để phát triển kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân"- Phó Giám đốc sở Y tế nhấn mạnh.
Hiện số lượng bác sĩ tại tuyến xã tại Hà Nội còn hạn chế. Các đơn vị vẫn chưa tuyển dụng đủ nhân lực theo biên chế được TP giao do khó thu hút được nhân lực chất lượng cao. Nhân lực bác sĩ tại khối trung tâm y tế và trạm y tế chưa đảm bảo đủ các chuyên ngành, thiếu bác sĩ cơ hữu tại trạm y tế (513/579 trạm có bác sỹ cơ hữu làm việc-chiếm 88,5%, còn lại 66 trạm là bác sỹ luân phiên từ trung tâm y tế).
Ngoài ra, các cơ sở y tế công lập phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao với các cơ sở y tế ngoài công lập.
Phân tích nguyên nhân khiến số lượng bác sỹ ở tuyến cơ sở còn hạn chế, ông Vũ Cao Cương nêu: Chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến vừa là những tồn tại vừa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân được nhân lực tại y tế cơ sở-nhất là nhân lực chuyên môn bác sỹ, dược sĩ, kỹ thuật y.
Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế được cử đi đào tạo, sau khi hoàn thành khóa học có nguyện vọng chuyển công tác tới các bệnh viện tuyến cao hơn gây khó khăn cho một số bệnh viện, bởi thực hiện tự chủ tài chính các bệnh viện rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút người bệnh.
Báo cáo với Đoàn giám sát về những vướng mắc trong thực hiện chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn bày tỏ: Hiện nay Trung tâm Y tế quận đang thiếu rất nhiều nhân lực đặc biệt là bác sỹ và nhân viên y tế làm tại trạm y tế phường. Qua 2 năm đại dịch, nhiều nhân viên nghỉ việc, chuyển việc, về hưu nhưng không tuyển được mới.
"Nguyên nhân do chế độ lương thấp, công việc vất vả không có thu nhập tăng thêm. Do không có bác sỹ trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân đến các phòng khám đa khoa và các trạm y tế, dẫn đến nguồn kinh phí từ dịch vụ khám chữa bệnh thấp"- bà Phạm Thị Thanh Nhàn nêu.
Những bất cập cần tháo gỡ
Theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, một số bất cập về việc triển khai chính sách y tế tại cơ sở hiện nay là về tiêu chí bổ nhiệm trạm trưởng trạm y tế. Đối với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, theo đề án vị trí việc làm bổ nhiệm trạm trưởng trạm y tế phải là bác sỹ hoặc tương đương. Tuy nhiên hiện nay, việc tuyển dụng bác sỹ làm việc tại các trạm y tế rất khó khăn.
Cùng chung tình trạng này, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây Lê Minh Đức giãi bày: Mặc dù cơ bản các trạm y tế đều có 1 bác sỹ nhưng nguồn nhân lực vẫn khó khăn vì giai đoạn tới có số bác sỹ nghỉ hưu, chậm được bổ sung do nhiều năm nay số bác sỹ mới ra trường không đăng ký vào trung tâm y tế. Mà nguồn nhân lực bổ sung chủ yếu từ đào tạo từ y sỹ, chuyên tu học lên. Tuy nhiên, hiện quy định tuyển sinh xét tuyển cao, thời gian học, thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật rất dài nên không kịp bổ sung.
Từ những vướng mắc, bất cập trên, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm đề nghị, cho phép bổ nhiệm cán bộ có trình độ cao đẳng giữ chức vụ Trạm trưởng các trạm y tế; đề nghị không đưa ngoại ngữ vào tiêu chí tuyển dụng viên chức y tế tuyến cơ sở vì đây đã là chuẩn đầu ra của các cơ sở giáo dục Cao đẳng, Đại học; đề nghị cho phép bác sỹ của trạm y tế được thực hành tại các phòng khám đa khoa của trung tâm y tế thay vì thực hành tại các bệnh viện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám, chữa bệnh trong đó bổ sung phạm vi hành nghề đa khoa cho các bác sỹ tại tuyến y tế cơ sở; Quy định phạm vi hoạt động của trạm y tế đảm bảo trạm y tế chăm sóc ban đầu cho người dân chứ không phải thực hiện theo chứng chỉ hành nghề chuyên khoa của người phụ trách chuyên môn kỹ thuật; quy định tuyến y tế cơ sở quản lý và điều trị những bệnh thông thường, chỉ được chuyển tuyến thì mới được khám, chữa bệnh tuyến trên nhằm giải tải cho tuyến trên và phát huy hiệu quả tuyến y tế cơ sở.
Sở Y tế Hà Nội kiến nghị Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% cho nhân viên y tế tuyến cơ sở; Đề xuất với Bộ Y tế giữ nguyên định mức nhân lực tại các trạm y tế theo quy mô dân số, không giới hạn định mức tối đa chỉ tiêu số lượng người làm việc...
Tại các buổi làm việc, sau khi nghe các đơn vị báo cáo, làm rõ những vấn đề mà Đoán giám sát nêu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của đơn vị và cho biết: Sẽ tổng hợp, chuyển những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị đến các cơ quan liên quan.