Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lý do tên tỉnh Phú Thọ được lựa chọn sau khi sáp nhập với Vĩnh Phúc, Hoà Bình?

Kinhtedothi - Bộ Nội vụ vừa ban hành Tờ trình số 2013TTr-BNV trình Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Thọ (mới) năm 2025, với trung tâm hành chính tại TP Việt Trì.

Tỉnh Phú Thọ (mới) được hình thành trên cơ sở sắp xếp hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình với trung tâm hành chính đặt tại TP Việt Trì. Ảnh: T. Dũng

Phát huy các lợi thế vị trí địa lý, năng lực phát triển

Được biết, Đề án sắp xếp 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã phân tích rõ những căn cứ, lý do chọn Phú Thọ làm tên tỉnh mới và Việt Trì là trung tâm hành chính sau sắp xếp.

Thứ nhất, về vị trí địa lý, Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối 3 tỉnh, có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc, là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng - lựa chọn này dựa trên các cơ sở khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, về năng lực phát triển, Việt Trì là đô thị loại I, từng là trung tâm của tỉnh Vĩnh Phú trước đây; tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đã và đang hình thành hệ thống khu công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Thứ ba, về hệ thống thiết chế hạ tầng - xã hội, Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực. Các cơ sở đào tạo đại học, bệnh viện chuyên sâu và các trung tâm thể thao - du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới.

Lý do thứ tư, Phú Thọ là vùng đất Tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, có bề dày về truyền thống văn hóa - lịch sử, với các di sản văn hóa được UNESCO công nhận - đây là yếu tố quan trọng về mặt tinh thần, bản sắc và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Phú Thọ là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử. Ảnh: Sỹ Hào. 

Thứ năm, về quốc phòng - an ninh, Phú Thọ là địa bàn trọng yếu, đóng quân của Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) và nhiều cơ quan Trung ương, có vai trò chiến lược trong bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô.

Thứ sáu, về hiệu quả quản lý phát triển vùng, việc đặt trung tâm tỉnh tại Phú Thọ giúp mở rộng không gian phát triển mới, khai thác đồng bộ hạ tầng vùng, giảm áp lực cho Hà Nội, thúc đẩy liên kết vùng, phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch vùng Thủ đô và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không chỉ là gộp địa giới hành chính

Theo Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, việc hợp nhất 3 tỉnh không chỉ là gộp địa giới hành chính mà còn là quá trình tái thiết mô hình quản trị, nhằm giảm tầng nấc trung gian, tăng tốc độ điều hành, phân cấp mạnh, gắn liền với chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số.

Đồng thời hướng tới thiết lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện đại, năng động, có đủ tiềm lực để trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Sau sắp xếp, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2; dân số hơn 4 triệu người. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập là 148 (133 xã và 15 phường). Các địa phương giáp ranh với tỉnh Phú Thọ gồm: phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lào Cai; phía Đông giáp tỉnh Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội; phía Tây giáp tỉnh Sơn La; phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

08 May, 08:19 PM

Kinhtedothi - Chính phủ vừa có Nghị quyết số 122/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Kế hoạch).

Thanh Hóa tăng cường bảo vệ các khu lăng một vua chúa

Thanh Hóa tăng cường bảo vệ các khu lăng một vua chúa

08 May, 04:19 PM

Kinhtedothi - Trước vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời kiến nghị siết chặt công tác bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trên toàn địa bàn.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ