Lý do Thủ tướng Nhật Bản muốn hoãn tăng thuế tiêu thụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa cho biết có thể trì hoãn tăng thuế tiêu thụ (vốn theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 4/2017) thêm khoảng hai năm rưỡi nữa.

Theo ông Abe, dự định tăng thuế tiêu thụ từ mức 8% lên 10% dự kiến vào tháng 4/2017 sẽ được hoãn tới tháng 10/2019. Lần tăng thuế gần nhất từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 đã khiến sức tiêu dùng giảm mạnh, kéo nền kinh tế Nhật Bản vào vòng suy thoái. Phản ứng trước thông tin trên, các đảng đối lập đã hối thúc Thủ tướng Abe giữ đúng cam kết tăng thuế. Quyền Tổng thư ký của đảng Dân chủ - Tetsuro Fukuyama nhấn mạnh, ông Abe và nội các nên từ chức nếu quyết định lùi thời điểm tăng thuế sang năm 2019. Các nghị sỹ của đảng Cộng sản Nhật Bản và đảng Dân chủ Xã hội cũng đồng quan điểm trên. 

Quyết định được ông Abe tuyên bố chỉ vài ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản kết thúc. Nhân cơ hội chủ trì hội nghị năm nay, ông Abe đã cố gắng thuyết phục các nước thành viên rằng, kịch bản khủng hoảng năm 2008 đang quay trở lại, như một cái cớ để tiến trình hoãn tăng thuế tiêu dùng diễn ra suôn sẻ.  

Có hai lý do chính cho động thái hoãn tăng thuế của ông Abe lần này. Thứ nhất, với việc kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2018, động thái trì hoãn này cho thấy ông Abe đang đẩy bất kỳ hệ lụy tiêu cực nào của biện pháp này tới đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho người kế nhiệm. Thứ hai, trì hoãn việc tăng thuế sẽ giúp ông Abe tránh được những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Hiện tại đây là phương cách để ông Abe tiếp tục minh chứng tính hiệu quả của chương trình kinh tế “Abenomics” bao gồm một loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cấu trúc. Chương trình này đã vấp phải nhiều tranh cãi, cho đến nay vẫn chưa biết sẽ trở thành di sản hay thất bại nổi bật trong thời gian ông đương nhiệm.