Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lý luận” và “cây đời” trong tư duy, hành động của Tổng Bí thư

GS. TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhìn lại cả cuộc đời hoạt động chính trị và qua những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, “màu xám” của lý luận cùng sức sống xanh tươi của “cây đời” trong tư duy và hành động của đồng chí luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Trong tác phẩm kịch thơ Faust của mình, Đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe viết hai câu: Mọi lý thuyết đều là màu xám/ Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.

Đó là thơ, là triết lý sống. Đó cũng là sự tách chiết ra để nhấn nhá cho riêng từng vế. Còn sự thực cuộc sống đâu có sự tách bạch thế. Lý thuyết (lý luận) và thực tiễn (cây đời) luôn gắn với nhau như sự thống nhất giữa hai mặt đối lập. Nếu không có sự gắn đó thì sẽ bị sa vào cái phản phát triển. Thế nên, người ta mới nói, trong biện chứng của cuộc sống, nói lý luận thì đã bao hàm cái chất thực tiễn trong đó, ngược lại, nói thực tiễn, đã có cái chất lý luận bên trong rồi. Nhìn lại cuộc đời của các chính khách nổi tiếng trên thế gian này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chúng ta thấy rằng, những thành công của họ là hiện thân của những điều đó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thuộc về những con người như thế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đào tạo bài bản, từ mái trường của nước Việt Nam độc lập cho đến trường Đảng ở trong nước và ở Liên Xô. Một cách tự nhiên, đồng chí được thấm những vấn đề lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng, thấm gì thì thấm, ngộ gì thì ngộ, cứ ngồi mà mài những vấn đề lý luận ấy ra mà hành thì không thể phát triển được. Phải gắn với thực tế, vận dụng những điều trong lý luận vào thực tiễn mới được. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rồi: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình sự chủ quan, kém lý luận, “mắc phải cái bệnh khinh lý luận”[2], có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[3],“vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ ai đó sẽ mắc phải bệnh “lý luận suông”[5], “dù xem được hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận… Phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận… Phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế… Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”[6].

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu được quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những điều kiện thuận lợi cho việc này là bản thân đồng chí Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, mà cao nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng duy nhất trong xã hội nước ta hiện nay, Đảng lãnh đạo, cầm quyền hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với những cương vị đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải bắt tay vào giải quyết những công việc thực tế đặt ra cho đất nước, có thể nói là hằng ngày, hằng giờ, nhất là những lúc cấp bách của tình hình.

Ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Chính trong điều kiện đó, ở trong tư duy và hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có một nhu cầu cấp thiết, tự nhiên là kết hợp những vấn đề lý luận và thực tiễn. Đó là “hai trong một”, “một mà hai”, không thể bóc tách ra được trong con người của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Tôi nhấn mạnh điều này là bởi vì, có thể có ai đó nhận xét không đúng rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là con người có phần bảo thủ.

Cho đến nay, nhiều bài nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản thành sách. Nhìn lại cả cuộc đời hoạt động chính trị và qua những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, có thể khái quát thành một số nội dung sau đây nói lên “màu xám” của lý luận cùng với “cây đời” trong tư duy và hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn bó chặt chẽ với nhau:

(1) Tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi từ cơ chế cũ vốn thích ứng với điều kiện chiến tranh sang cơ chế mới, đó là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa hoặc không nói tới. Ấy vậy mà Đảng ta đã dũng cảm với tinh thần đổi mới sáng tạo đã bứt phá về tư duy, chuyển đổi sang cái mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đó là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách ngoạn mục. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là người khởi xướng, nhưng là người tích cực nhất trong Đảng tiếp tục theo hướng này. Mặc dù có một số thế lực đã và đang xuyên tạc cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” của cơ chế này, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không sờn lòng, giữ nguyên tính độc đáo đó phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội, trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 14/10/2023. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội, trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 14/10/2023. Ảnh: TTXVN

(2) Mục tiêu phát triển của đất nước không bao giờ thay đổi, nhưng lối đi để đến mục tiêu đó có thể phải được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp. Phải công nhận và làm theo quy luật giá trị, áp dụng quản lý kinh tế theo quan điểm kinh tế hàng hóa có sự quản lý của Nhà nước.

(3) Phải luôn luôn khẳng định và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói chung là nhiệm vụ then chốt. Phải luôn luôn giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng.

(4) Trong bước đường phát triển bền vững của đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phải đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, trước hết là trong Đảng nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung. Phải kiên quyết xử lý theo đúng Điều lệ Đảng và theo đúng pháp luật, bất kể đó là ai, giữ chức vụ gì, không có vùng cấm.

Chỉ với mấy điểm trên đây thôi cũng thấy sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt trận lý luận - thực tiễn của Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần tích cực hình thành những giá trị lý luận đổi mới của Việt Nam mà Đảng ta sẽ tổng kết trong thời gian tới.

Nhìn nhận thế để biết rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tài trong việc kết hợp được cả hai, cả “màu xám” của lý luận và cả sức sống xanh tươi của “cây đời” thực tế. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, gương sáng đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ truyền cảm hứng phát triển bền vững cho đất nước trong những chặng đường tới.

 

Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, nhiều cuốn sách quý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra mắt bạn đọc. Những cuốn sách đều thể hiện tư duy lý luận và thực tiễn sắc bén, nhãn quan chính trị, tầm nhìn xa của người đứng đầu Đảng ta về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.

Cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (ra mắt ngày 9/2/2022) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu quý, tổng kết lý luận về đường lối đổi mới, những phát triển sáng tạo riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuốn sách tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa ở Việt Nam. Các bài viết, bài phát biểu được trình bày một cách chắt lọc, tổng kết thực tiễn, lấy đời sống thực tiễn để thuyết phục, để chứng minh. Đồng thời, nội dung cuốn sách góp phần hệ thống lại những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” (ra mắt ngày 18/7/2023). Với 39 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, cuốn sách thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về quan điểm, mục tiêu chỉ đạo và phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Sách không chỉ có ý nghĩa đối với quân đội mà còn có ý nghĩa đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên để hiểu rõ, nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc.

Tác phẩm “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII” (ra mắt ngày 20/10/2023), tuyển chọn 40 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII của Đảng với nội dung tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Đảng và hệ thống chính trị trên các lĩnh vực, những nhiệm vụ chiến lược trọng yếu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong các bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nghiêm khắc chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm cần phải kiên quyết khắc phục, một số khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Cuốn “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ra mắt ngày 18/11/2023) là cẩm nang lâu dài về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" (ra mắt ngày 21/11/2023) đã đúc kết những tư tưởng cốt lõi về đối ngoại, ngoại giao Việt Nam xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử với đỉnh cao là nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, cùng với phương pháp luận ngoại giao Việt Nam trong đánh giá tình hình thế giới, nhận diện những đặc điểm của thời đại, cơ hội và thách thức cho đất nước trong mỗi thời kỳ lịch sử…

Hai cuốn sách “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững” và “Xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” (ra mắt ngày 2/2/2024), tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, thư, điện… tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 3 năm (2021-2023) triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tổng Bí thư trên các lĩnh vực, các ngành, các cấp, các địa phương.

Cuốn “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ra mắt ngày 21/6/2024), tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư… của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968. Đây là cuốn cẩm nang quý về văn hóa đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác phẩm “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vừa ra mắt ngày 16/7/2024. Cuốn sách này tuyển chọn 95 bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược sâu sắc về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, phản ánh sự quan tâm, sâu sát của Tổng Bí thư trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Các tác phẩm của Tổng Bí thư đều được dịch ra nhiều thứ tiếng, được Nhân dân đón nhận, các nhà nghiên cứu đánh giá cao về tư duy lý luận và thực tiễn sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của người đứng đầu Đảng ta về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước. Ngay sau khi các cuốn sách được công bố và dịch ra một số ngôn ngữ nước ngoài, không chỉ độc giả trong nước, các học giả quốc tế đều nói về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các học giả quốc tế cho rằng tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận – thực tiễn.

 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.273-274.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.274.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.274.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.274.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.275.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.274-275.