Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý thuyết suông không đủ

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi hỏi về vấn đề đạo đức của trẻ đang tuổi đến trường thể hiện ở lời ăn tiếng nói, nhiều người cảm thấy rất buồn.

 Ảnh minh họa
Bởi khi nghe một nhóm học sinh trò chuyện với nhau, nhiều người thấy rất lạ khi mỗi câu nói đều được bắt đầu và kết thúc bằng các từ ngữ đệm rất thô tục, thiếu văn hóa một cách tự nhiên. Nhưng điều đáng nói là nhiều người trẻ lại cho rằng, phải dùng từ đệm, tiếng lóng như vậy mới là style, mới là gia vị cho ngôn ngữ của thế hệ trẻ hiện đại.
Rồi cũng chính vì cái quan niệm phải khẳng định cái tôi cho khác người nên những xích mích nhỏ nhặt cũng được nhiều người trẻ biến thành hành động bạo lực hoặc làm nhục nhau bằng nhiều hình thức như nói xấu, bôi nhọ tên tuổi trên mạng... Những tự ái cá nhân hay chỉ cần một ánh mắt được coi là “nhìn đểu” cũng dễ dàng trở thành cuộc đánh nhau ngay phía ngoài cổng trường, đặc biệt ở tuổi mới lớn. Không ít trường hợp đã trở thành những sự việc khó quên như một số trận đánh hội đồng của các nữ sinh phổ thông, vụ chém nhau rùng rợn ngay trong lớp học của nam sinh…
Nhiều nhà tâm lý khi lý giải cho việc lệch lạc đạo đức của giới trẻ hiện nay cho rằng, đúng là người trẻ hiện nay rất thích trở thành anh hùng, thích làm những điều khác với mọi người để người khác phải chú ý đến mình. Các em thích chơi những game đánh nhau và đã đánh nhau là phải thắng. Đi xe đạp cũng thích vượt người khác, không thích ngồi sau xe đạp, mà phải đứng lên cho oách. Đi xe máy thích thú vì cảm giác qua mặt được cảnh sát giao thông vì chưa có bằng và không đội mũ bảo hiểm…
Trong khi cuộc sống đa sắc màu, trẻ cũng không biết phân biệt thế nào là tốt là xấu, bố mẹ thì quá bận rộn với làm ăn, giáo dục gia đình vì thế gần như bị bỏ trống, hoặc khoán trắng cho nhà trường. Hoặc có giáo dục cũng chỉ là những diễn giải lý thuyết, la mắng, chưa coi trọng giáo dục kỹ năng sống - kỹ năng ứng xử hàng ngày. Mỗi khi trẻ phạm lỗi, người lớn cũng thường dùng hình thức “phạt thật nặng cho chừa”, chứ không chú ý hướng cho các em cách tiến đến cái đúng.
Trong khi đó, sự làm gương thực sự có tác dụng hơn nhiều lần những lời dạy lý thuyết suông hay những rao giảng mang tính ép buộc, thậm chí là roi vọt, phạt vạ. Một người bố hay nói tục, chửi thề thực khó dạy con mình ăn nói lịch sự, lễ phép; một người mẹ ăn uống vô độ thì khó dạy con mình ăn nhỏ nhẻ, chừng mực; những người lớn thích bạo lực, thô lỗ thì khó dạy con em mình biết tôn trọng người khác…
Sự gương mẫu tự bản thân nó tạo sự lan tỏa, để chính việc chú ý làm gương cũng là một đặc điểm tích cực, để các thành viên nhỏ tuổi của gia đình sẽ tự ý thức để làm gương cho thế hệ nhỏ hơn. Trong rèn rũa đạo đức, kỹ năng ứng xử cũng vậy, phải để trẻ thấy được tôn trọng thật sự, thay vì áp đặt, nhồi nhét, khô cứng.
Như vậy, mới mong rèn rũa trẻ trở thành những người có nhân cách thực sự, chứ không phải như nước đổ lá khoai, để sau khi “vâng dạ” những lời người lớn nói, trẻ lập tức quay sang nói chuyện với bạn với những ngôn từ “lạ” mà không biết rằng mình đang nói bậy.