Bên cạnh đó là các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tìm đối tác chiến lược của những DN có quy mô cực lớn. Thị trường mua bán sáp nhập DN (M&A) do đó được dự báo sẽ vô cùng sôi động.
“Sóng” từ cổ phần hóa, thoái vốnTrong danh sách thoái vốn, những cái tên được quan tâm bao gồm Vinamilk (VNM), nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong, Habeco, Sabeco, Vinaconex… Đặc điểm chung là cổ phiếu (CP) của DN đã được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, HNX, DN có thương hiệu, bề dày lịch sử và kinh doanh khá hiệu quả.
Theo công bố của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), sẽ bán tiếp 3,3% vốn tại VNM tương ứng với 48 triệu CP. Với giả định thị giá VNM không biến động nhiều so với hiện nay, vào tháng 10 nếu vụ chào bán thành công, số tiền của thương vụ ước vào khoảng 7.000 tỷ đồng.
|
Dây chuyền sản xuất sữa hộp tại nhà máy của Vinamilk. |
2 DN ngành nhựa là Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) mà SCIC hiện nắm giữ 29,52% cổ phần tại BMP (tương đương 13,4 triệu CP); 37,1% cổ phần tại NTP (tương đương 33,1 triệu CP) cũng được giới đầu tư quan tâm. Nhựa Tiền Phong hiện nắm thị phần lớn ở phía Bắc và nhựa Bình Minh ở phía Nam, cả hai DN đều có chung một cổ đông lớn là Tập đoàn Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC). Lãnh đạo 2 DN cho biết, trong khá nhiều cuộc tiếp xúc với các bên có trách nhiệm của DN, nhà đầu tư (NĐT) Thái Lan đều mong muốn được gia tăng tỷ lệ sở hữu tại hai DN trên. Còn Sabeco và Habeco cũng được đón đợi không kém trên thị trường, đặc biệt là Sabeco khi Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm sẽ thoái vốn tại công ty này xuống 51% trong năm 2017.
Với các DN triển khai IPO, nhiều tên tuổi lớn bắt đầu vào guồng tìm đối tác. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), phương án cổ phần hóa DN đã được trình Chính phủ vào đầu tháng 8 vừa qua. Với giá trị DN lên tới 3 tỷ USD, nhiều khả năng lượng cổ phần bán ra thị trường chỉ ở mức quy mô vài nghìn tỷ đồng, còn tỷ lệ lớn sẽ phải trông chờ vào các NĐT chiến lược nước ngoài. Công ty dự kiến nếu có NĐT quan tâm, họ sẵn sàng bán xuống mức Nhà nước sở hữu 51% cổ phần, hoặc thậm chí ít hơn. Trước thềm phương án cổ phần hóa được Chính phủ xem xét phê duyệt, Petrolimex đơn vị hiện đang tiêu thụ khoảng 21% sản lượng xăng dầu của Lọc dầu Dung Quất đã ký thỏa thuận ghi nhớ sẽ mua lượng lớn cổ phần.
Trong khi đó, khá nhiều NĐT trong nước trường vốn, đặc biệt là các DN tư nhân đang săn lùng những cơ hội bỏ vốn hấp dẫn. Đơn cử như một tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam đang thương thảo mua lại phần vốn góp của Tập đoàn Posco trong Liên doanh An Khánh, chủ đầu tư khu đô thị mới Splendora. Giới quan sát cho rằng, không có chuyện họ dừng lại với tỷ lệ 50% nếu thương vụ thành công, nhiều khả năng tập đoàn trên sẽ thương thảo để mua nốt phần vốn góp của tập đoàn này để thâu tóm dự án.
Cú hích từ chính sáchTrong bất cứ thương vụ M&A nào, có 2 yếu tố được các NĐT quan tâm. Thứ nhất là giá cả, thứ hai là cách bán và các điều kiện kèm theo. Với số lượng các thương vụ dày đặc như trên, cộng với thị trường chứng khoán diễn biến không quá thuận lợi, giá cả các đợt chào bán dịp cuối năm được nhìn nhận không ở mức quá cao so với thực tế DN. Điều quan trọng là thông tin và cách nào bán cần được làm mới đến NĐT.
Với các đợt chào bán cổ phần lớn, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank TP Hồ Chí Minh Tống Minh Tuấn cho rằng, những NĐT mang tính chiến lược (tức là đầu tư vào DN không đơn thuần để mua đi bán lại kiếm lời), kinh nghiệm cho thấy, họ hầu như không mua theo hình thức đấu giá công khai vì không kiểm soát và dự tính được số lượng cổ phần có thể trúng giá. Phương thức dựng sổ được họ quan tâm hơn. Theo đó, sau các vòng lựa chọn đầu tiên, sẽ có 3 - 4 NĐT lọt vào danh sách cuối cùng. Họ có quyền thẩm định, điều tra chi tiết về DN để đưa ra được mức giá phù hợp nhất mà những bản công bố thông tin thông thường khi DN thực hiện đấu giá không thể chuyển tải được hết. Những NĐT này sau đó sẽ tiếp tục tham gia đấu giá và người trả cao nhất có quyền mua lô cổ phần. Một đặc điểm quan trọng nữa của phương thức này là bảo mật thông tin của bên mua và NĐT chưa phải đặt cọc phức tạp như đấu giá hiện nay.
Về vấn đề này, đại diện Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN mà Bộ đã trình lên Chính phủ đã bổ sung thêm phương thức dựng sổ. Động thái này được kỳ vọng sẽ mở thêm nhiều cửa thông thoáng cho các thương vụ M&A lớn trong thời gian tới.
Trong nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam đưa ra, có kịch bản lạc quan dự báo rằng, đột phá về nguồn hàng, cả về số lượng lẫn chất lượng; đột phá từ nguồn vốn ngoại; đột phá về cơ chế, chính sách là những cú huých cho thị trường M&A Việt Năm 2017 hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2 - 6,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục giá trị của năm 2016 là 5,1 tỷ USD. |