M&A - nguồn vốn phái sinh quan trọng cho thị trường bất động sản

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng nguồn vốn trung dài hạn dùng cho vay ngắn hạn tại các ngân hàng bị thu hẹp, buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) phải tìm nguồn vốn mới để tái đầu tư sản xuất, trong đó M&A được xem là nguồn vốn phái sinh quan trọng của thị trường.

Những thương vụ “bạc tỷ”
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng các thương vụ nghìn tỷ đồng liên quan đến việc mua vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn diễn ra sôi động.
Vốn mua bán cổ phần, sáp nhập sẽ là nguồn vốn phái sinh quan trọng cho thị trường BĐS.
Điển hình như quỹ đầu tư Temasek (Singapore) hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phần VHM của Công ty CP Vinhomes thông qua giao dịch thỏa thuận, với giá trị giao dịch lên tới 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD; Tập đoàn Novaland nhận giải ngân tới 21.293 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, đối tác trong hoạt động huy động vốn. Trong quý III/2020, Tập đoàn Phát Đạt hoàn tất mua lại 68,75% vốn, tương đương 1.375 tỷ đồng của Công ty CP Bến Thành - Long Hải...
Ngoài ra, còn hàng loạt thương vụ lớn khác, như Tập đoàn Logos Property của Úc đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh BĐS logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam; Công ty Mirae Asset Daewoo Co và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD ở trung tâm logistics LogisValley tại tỉnh Bắc Ninh...
Theo Giám đốc cao cấp Công ty CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung, hầu hết những thương vụ M&A trong ngành BĐS là mua lại đất hoặc các dự án mới được cấp phép để phát triển, chiếm tới 80 - 90% tổng lượng giao dịch trên thị trường. “Ngoài việc góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp kinh doanh BĐS còn liên kết với nhau để có thể mở rộng địa bàn phân phối, xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới” - bà Nguyễn Thùy Dung cho hay.
Nguồn vốn tiềm năng
PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay, nguồn vốn hoạt động trên thị trường BĐS tương đối đa dạng, như vốn từ đầu tư nước ngoài; vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại; vốn của chủ đầu tư; vốn của nhà đầu tư tiềm năng; vốn từ trái phiếu phát hành của doanh nghiệp; vốn từ thị trường chứng khoán; vốn từ đầu tư công; vốn kiều hối. Tuy nhiên, trong thời gian qua nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm từ 70 - 75%.
“Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống, thời gian gần đây, dòng vốn M&A từ việc mua bán cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp, dự án đang khá phổ biến tại Việt Nam và nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trước tình trạng nguồn vốn vay ngân hàng đang ngày bị siết chặt thì M&A sẽ trở thành nguồn vốn phái sinh quan trọng của thị trường BĐS” - ông Trần Kim Chung nhìn nhận.
Các chuyên gia đều nhìn nhận, nguồn vốn có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của thị trường BĐS, nhất là trong giai đoạn thị trường “khát” vốn để phục hồi trong thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước cần phải nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến tài chính phái sinh BĐS.
“Cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên đưa ra cảnh bảo trước lãi suất trái phiếu, lãi suất cam kết dự án 12 - 15%. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan kiểm soát tài chính. Ngoài ra, việc đầu tư chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp BĐS cần phải chú trọng, tránh xảy ra rủi ro, đổ vỡ” - PGS.TS Trần Kim Chung cho biết thêm.