70 năm giải phóng Thủ đô

Ma trận chiêu trò lừa đảo

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay xuất hiện “muôn hình vạn trạng” các hình thức lừa đảo, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, đầu tư, giả danh công an… Mới đây với thủ đoạn lừa đảo “con đang cấp cứu” khiến nhiều người “sập bẫy” gây bức xúc dư luận.

“Sập bẫy” mất hàng tỷ đồng

Thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

Công an TP Hà Nội xử lý đối tượng lừa đảo công nghệ cao.
Công an TP Hà Nội xử lý đối tượng lừa đảo công nghệ cao.

Thống kê hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021...

Mới đây, ngày 3/3/2023, Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của ông T (SN 1946, trú tại quận Cầu Giấy) về việc bị một đối tượng gọi điện thoại, tự xưng là nhân viên Viettel thông báo nợ cước điện thoại. Sau đó, đối tượng đã kết nối nạn nhân gặp người đàn ông được giới thiệu là công an, người này gửi cho ông T. xem ảnh bản thân có lệnh bắt khẩn cấp và phong tỏa tài sản để điều tra, đồng thời yêu cầu bị hại gửi thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và mã OTP. Do quá lo sợ nên ông T. đã làm theo hướng dẫn của nhóm đối tượng mà không chút nghi ngờ. Sau đó, tài khoản ngân hàng của nạn nhân bỗng nhiên “bốc hơi” số tiền 800 triệu đồng. Biết bị lừa, ông T. đến cơ quan công an trình báo.

 

Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và lừa đảo bằng công nghệ cao nói riêng cần có sự cảnh giác của tất cả mọi người. Chúng ta cần xác định đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao là một mặt trận lớn và quan trọng không kém đấu tranh với tội phạm ngoài đời thực.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Một “phi vụ” lừa đảo nạn nhân bị mất hàng tỷ đồng trước đó vào ngày 7/11/2022, Công an phường Ngọc Thụy tiếp nhận đơn trình báo của bà D (SN 1953, trú tại quận Long Biên) về việc bà D có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là đại tá công an. Đối tượng nói bà D có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó, bà D phát hiện tài khoản bị mất gần 6 tỷ đồng…

Hiện nay, dư luận trên cả nước đang nóng về lừa đảo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp”. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh liên tiếp nhiều phụ huynh cũng nhận cuộc gọi lừa đảo. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 3, khoảng 10 phụ huynh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị kẻ xấu lợi dụng nhắn tin, gọi điện với chiêu thức "con đang cấp cứu trong bệnh viện, cần chuyển tiền gấp". Các phụ huynh cả tin, không xác minh lại thông tin dẫn đến thiệt hại lớn nhất lên tới hàng trăm triệu đồng. Mấy ngày qua, chiêu trò lừa đảo này đã lan ra Hà Nội khiến nhiều người “sập bẫy”.

Cụ thể, Anh Lê Xuân H (43 tuổi, ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ) bị lừa vào ngày 13/3. Trong khi đang làm việc, anh H nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói: "Em là cô giáo của Lê T.M, con bị tai nạn ở trường, đang vào Bệnh viện 354, gia đình vào luôn nhé"… Đang đi trên đường, anh H nhận được cuộc gọi thứ 3 với nội dung bệnh viện yêu cầu nộp tiền làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật” và anh H đã chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng lạ.

Cũng với thủ đoạn tương tự, chị V.T.H, trú tại quận Hoàng Mai đã trở thành nạn nhân khi nhận được điện thoại từ số lạ thông báo con (đang học tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) bị ngã tại trường, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức...

Có thể thấy, phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, công an, lực lượng y tế, bác sĩ… gọi điện thoại cho người dân nhằm chiếm đoạt tài sản không còn mới. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, lại bị tội phạm đánh trúng tâm lý nên nhiều người vẫn “sập bẫy” lừa của các đường dây lừa đảo công nghệ cao…

Người dân làm gì để không trở thành “con mồi”?

Về chiêu trò lừa đảo “con đang cấp cứu”, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, mới đây, hai phụ huynh có con học tại trường bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay". May mắn hai phụ huynh này khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa. “Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường để tránh bị lừa” - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An thông tin.

Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng (Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam) cho hay, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức gửi tin nhắn hay gọi điện thoại không còn mới. Thay vào đó, kẻ gian sử dụng các hình thức mới, đánh trực diện vào lòng tin của nạn nhân để xây dựng kịch bản lừa đảo.

Do vậy, người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường link lạ. Không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức là điều kiện tiên quyết để tránh sập bẫy lừa đảo.

Trước những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, Công an Hà Nội đánh giá, tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi. Để người dân chủ động phòng ngừa, không trở thành nạn nhân, Công an Hà Nội khuyến cáo, người dân không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Đồng thời cảnh giác những chiêu trò yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng; tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội.

Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, website ngân hàng. Chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web chính thức của ngân hàng có uy tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn…

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các đối tượng thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Tuỳ tính chất, mức độ của hành vi mà các đối tượng có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, qua các vụ việc trên, người dân cần chú ý vấn đề bảo mật thông tin cá nhân thật tốt. Khi nhận được các cuộc gọi như vậy, phụ huynh nên cố gắng liên hệ với nhà trường, bệnh viện để kiểm tra thông tin của con, cũng như qua bạn bè, người thân khác để kiểm tra con. Đồng thời, liên hệ với cơ quan công an gần nhất để yêu cầu hỗ trợ, xử lý.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, DN cung cấp dịch vụ, DN an toàn, an ninh mạng triển khai các biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân. Đồng thời, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, nòng cốt chính là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

 

Cách tốt nhất khi gặp nhận được cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền là bình tĩnh và sau đó nên xác nhận lại thông tin với bệnh viện, trường mà con đang học. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam