Những ngày này, người dân ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang hồ hởi bước vào vụ thu hoạch Phật thủ lớn nhất trong năm. Sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, có thể nói đến nay, cuộc sống của người dân xã Đắc Sở ngày càng khởi sắc nhờ cây phật thủ.
Đến vùng sản xuất quả an toàn tại thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở, nhiều người nhận thấy rõ không khí rộn ràng mua bán tại các vườn phật thủ. Bên cạnh đó, những cây phật thủ ghép bưởi Diễn, cam Canh cũng được các nhà vườn đánh sẵn vào chậu, chờ khách đến mua.
Chị Loan cắt phật thủ sau khi khách hàng đã lựa chọn.
|
Theo các chủ vườn, năm nay, phật thủ được cắt bán tại vườn thường có giá dao động từ 30-70 nghìn đồng tùy theo hình dạng. Tuy nhiên, trong vườn chỉ có một số ít quả phật thủ hội tụ đủ các yếu tố "âm dương ngũ hành" nên tùy theo khách chơi và cách chọn quả phật thủ đẹp của mỗi người, mức giá sẽ từ 100.000 đồng đến 5-7 triệu đồng/quả (tương đương 2,3 chỉ vàng). Thế nên, những quả phật thủ "âm dương ngũ hành" luôn được các chủ vườn quan tâm, trông coi cẩn thận, thậm chí dựng bạt, mắc màn, đêm nằm ngủ ngay sát cây có quả phật thủ đẹp nhất vườn.
Nhiều khách hàng thường có sở thích tìm đến các vườn phật thủ để có thể chọn lựa thật kỹ càng những quả phật thủ ưng mắt vào sát ngày rằm tháng Chạp hoặc ông Công, ông Táo. Vì thế, đây cũng là dịp để các chủ vườn "hái" ngay được hàng triệu đồng nhờ những quả phật thủ "âm dương ngũ hành".
Phật thủ được cắt xuống và chuẩn bị vận chuyển cho các cửa hàng kinh doanh.
|
Chị Loan, chủ một vườn phật thủ tại thôn Sơn Hà cho biết: “Sau hai năm trồng, phật thủ mới cho quả. Hoa ra quanh năm nên chỉ cần bắt đúng thời điểm vào tháng 7, 8 thì sẽ thu hoạch được đúng dịp Tết Nguyên đán với những trái có ngón dài, mọng đều”. Mặc dù là năm đầu thu hoạch nhưng với hơn 1 mẫu vườn, gia đình chị Loan dự tính thu nhập sẽ lên tới 400-500 triệu đồng và vụ thu hoạch phật thủ cho Tết năm sau sẽ còn lên tới 700-800 triệu đồng.
Theo những người nông dân trồng phật thủ ở Đắc Sở, quả phật thủ đẹp là quả có hình thù như bàn tay Phật, ruột xốp đặc, vỏ màu xanh hoặc vàng. Bởi theo quan niệm xưa, phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ. Người ta thờ phật thủ với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới, phồn thịnh về của cải, sức khỏe…
Những quả phật thủ đẹp nhất vườn như trên được chủ vườn ra giá 5-7 triệu đồng.
|
Tuy nhiên, chơi phật thủ cũng rất công phu và có "luật" của nó. Quả càng to, ngón tay của phật thủ càng nhiều, dài, móng nhọn thì càng có giá trị. Song quả phật thủ có giá trị cả về mặt ý nghĩa tâm linh lẫn thẩm mỹ phải là quả to, tay dài, móng nhọn, số ngón phải đạt trên 20 ngón trở lên và đặc biệt ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… "Thịnh", theo cách đếm: "Thịnh - Suy - Vi - Thái". Nhưng không phải lúc nào cũng tìm được phật thủ có đầy đủ các yếu tố trên, có khi cả vườn hàng nghìn quả chỉ chọn được vài quả hoặc không quả nào. Trong khi khách hàng ở các tỉnh phía Bắc thích những quả phật thủ xòe rộng các múi thì người tiêu dùng ở phía Nam lại yêu chuộng những quả phật thủ có múi cong úp vào bên trong. Phật thủ có số múi lẻ thường được các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh mới khai trương lựa chọn với ý nghĩa mang lại tiền tài.
Chia sẻ bí quyết về cách bảo quản phật thủ được lâu, giữ được sắc thái vàng bóng, các chủ vườn cho biết, cứ khoảng 5-7 ngày, mọi người nên dùng rượu trắng để lau bụi bẩn bám trên quả. Đối với quả Phật thủ có cả cuống, chỉ cần cho phật thủ vào ly có nước dâng cúng, thêm vài viên thuốc B1, sau 15-30 ngày cuống quả sẽ ra rễ. Bộ rễ này có tác dụng hút nước nuôi quả, bảo quản chuẩn có thể giữ quả phật thủ từ 4-5 tháng.