Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Macbeth”: Nhìn từ sân khấu Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Người mê kịch kinh điển không xa lạ với "Macbeth" của Shakespeare, cũng không phải lần đầu được xem các nghệ sĩ của Nhà hát TNT (Anh) biểu diễn.

Dù vậy, thông tin TNT mang "Macbeth" đến Việt Nam (từ 26/10 đến 4/11/2011) vẫn "nóng" trong sự đợi chờ của công chúng Việt. Bởi bên cạnh sự hấp dẫn không cần bàn cãi của kịch Shakespeare, của phong cách đã có thương hiệu TNT, người ta còn muốn tận mắt chứng kiến những ấn tượng vượt trội khi nhìn từ "Macbeth" này đến "Macbeth" lừng danh của Nhà hát Tuổi trẻ dạo trước.

"Đỏ đèn" hơn 10 năm

"Macbeth" là tác phẩm Shakespeare đầu tiên mà Nhà hát TNT dàn dựng. Kể từ sau buổi công diễn lần đầu năm 2000, vở kịch vẫn liên tục "đỏ đèn" cho đến bây giờ. Có thể nói đây là vở kịch Shakespeare được lưu diễn quốc tế nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây. Tấm màn nhung của vở diễn đã mở ra ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có London, Tokyo, Atlanta, Berlin, Oslo… Năm 2010, vở tiếp tục "đỏ đèn" xuyên quốc gia tại Trung Quốc, và giờ đến Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Australia.

Vở diễn nổi bật nhờ phong cách trình diễn hết sức tự nhiên, sự kết hợp hài hòa với âm nhạc, chất lượng đài từ ở những lời văn thoại và cách thức diễn giải sống động, chú trọng những yếu tố siêu nhiên và thế giới phù thủy. Vở kịch đã ra đời theo đúng nguyên gốc tác phẩm văn học, mà không ngần ngại cái bóng vĩ đại của kiệt tác Shakespeare. Ở đó, các phù thủy được coi như khởi nguồn tạo nên kịch tính, là thần linh của những khu rừng hoang dã. Họ không là đàn ông và cũng chẳng là đàn bà, họ tồn tại xuyên suốt vở kịch. Nhân vật Macbeth là một chiến binh, chàng không phải là một nhà tư tưởng mà là một nam nhi gan dạ nhưng khí phách bị phá hỏng vì những tham vọng mù quáng. Người vợ Lady Macbeth cũng là một kiểu phù thủy. Nàng gọi những hồn ma xuống để "giải phóng nàng ngay tại đây" nhưng lại bị những yêu ma mà nàng lầm tưởng có thể sai khiến được sở hữu và hủy hoại. Ngược lại, cảnh có nhân vật gác cổng lại mang tính chất khôi hài và điệu nhảy nhào lộn thực sự hài hước. Vở kịch còn được hỗ trợ hiệu quả nhờ phần âm nhạc khá dày và có sức tạo không khí cho các màn diễn, phần vũ đạo mạnh mẽ và hiệu ứng hình ảnh bắt mắt.

Nhìn về sân khấu Việt

9 năm trước - không lâu sau khi "Macbeth" của các nghệ sỹ TNT ra đời - "Macbeth" của Việt Nam cũng bước lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ dưới bàn tay "đạo diễn phù thủy" NSND Lê Hùng. "Macbeth" cũng là một dấu mốc của kịch kinh điển thế giới tại Việt Nam, là một sản phẩm nghệ thuật mà như NSND Lê Hùng nói thời đó: "Dựng vở này là ao ước của chúng tôi. Tôi từ lâu mong muốn làm một vở của Shakespeare bằng tiếng nói của người Việt".

Đến giờ - sau 9 năm - ấn tượng lưu lại của "Macbeth" Việt Nam vẫn là cặp đôi nghệ sỹ Anh Tú - Lan Hương vần vũ trong tham vọng mù quáng, trong tuyệt vọng tột cùng không chỉ bằng lời thoại, nét mặt, đôi tay, nhịp bước, mà bằng cả ngôn ngữ hình thể; là một sân khấu không cầu kỳ nhưng chứa đựng cả bầu không khí của ẩn ức và của thời kinh điển; là cái khác so với kịch bản nguyên gốc, đẩy những cảnh Macbeth và vợ chết ra sân khấu làm tăng kịch tính và gần hơn với tâm lý người Việt; là sự kết hợp lần đầu tiên của đèn màu và dàn trống tuồng, líu, nhị hai trên sân khấu kịch.

Cùng một nguyên tác đầy sức hút, nhưng là hai cá tính dàn dựng khác nhau, hai sự lựa chọn "điểm nhấn" cho tác phẩm khác nhau, nên nỗi ám ảnh mà mỗi vở diễn ghi lại trong công chúng cũng ở những tầng nấc khác. Song, rõ ràng khi "Macbeth" từ nước Anh đến Việt Nam là một lần để người làm kịch trong nước nhìn lại "Macbeth" của mình để có một lối đi ngọt và sắc hơn khi dựng kịch kinh điển. Lối đi ấy sẽ giúp mở ra con đường đưa kịch Việt ra thế giới, trả lời câu hỏi: Vì sao "Macbeth" của Anh "đỏ đèn" suốt hơn 10 năm chưa hết đất diễn, mà "Macbeth" của ta không có được cơ hội ấy.