Ảnh hưởng nặng nềTừ khi Hà Nội được ghi danh là Thành phố sáng tạo, đã có nhiều trung tâm, không gian sáng tạo (KGST) do các cá nhân thành lập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều KGST thường xuyên ở trong tình trạng hoạt động bấp bênh, luôn phải nỗ lực để duy trì hoạt động. Xin ông cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của các KGST? Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các cam kết của TP Hà Nội khi gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo hay không?Phần lớn các KGST ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung đều hoạt động ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ, do các cá nhân hoặc nghệ sĩ sáng lập. Một số ít hoạt động dưới tư cách pháp nhân là DN xã hội, đại bộ phận còn lại vận hành dưới dạng hộ kinh doanh cá thể hoặc dự án ngắn hạn, nguồn tài chính chủ yếu đến từ tài trợ hoặc bằng các hoạt động kinh doanh bổ trợ như cung cấp dịch vụ tư vấn, bán quán cà phê, cho thuê địa điểm.
Các không gian này, với những đặc tính như vậy, là những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề của các tác động của đại dịch khi mà nguồn tài trợ từ các tổ chức văn hóa nghệ thuật, các mạnh thường quân, các DN bị cắt giảm, giãn cách xã hội khiến các dịch vụ tạo nguồn thu của họ bị dừng, theo đó có thể không còn tiền để trả tiền thuê nhà, thù lao cho nhân sự.
Một số không gian đã phải đóng cửa, thu hẹp phạm vi hoạt động, chuyển đổi hình thức hoạt động sang trực tuyến. Bối cảnh này ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện các cam kết của TP Hà Nội, bởi các không gian này chính là nhân vật chính trong mọi hoạt động liên quan tới danh hiệu TP Hà Nội sáng tạo: Họ là nghệ sĩ, là người thực hành văn hóa, là người kinh doanh sáng tạo… không có sự tham gia và đóng góp của họ, không có thành phố sáng tạo, không có sự tăng trưởng về kinh tế sáng tạo.
|
Không gian sáng tạo Complex01. Ảnh: Minh An. |
Thưa ông, dịch Covid-19 là khó khăn, thách thức đối với hoạt động của hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong khó khăn chung ấy, xin ông có thể tư vấn, dành lời khuyên cho các cá nhân, tổ chức đã hoặc có ý định xây dựng các KGST, làm thế nào để tận dụng thời cơ, chuyển hoá thách thức thành cơ hội phát triển?Khủng hoảng không phải lúc nào cũng là hoàn toàn tiêu cực. Trong khủng hoảng cũng có cơ hội để cá nhân, tổ chức chuyển đổi, bứt phá và tăng trưởng bền vững hơn. Bối cảnh này, KGST nào có sự linh hoạt, năng động và sáng tạo trong đổi mới mô hình hoạt động, phương thức vận hành tổ chức của mình thì tổ chức đó có khả năng thích ứng, tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ kỹ thuật số, nâng cao năng lực chuyên môn và quản trị số cho đội ngũ của mình, liên kết mạng lưới là những việc mà các KGST có thể khai thác để vượt qua giai đoạn này.
Giải pháp trong tầm tayMột đáp án trở thành lối thoát phổ biến được đa số chuyên gia đánh giá cao lúc này là các sáng tạo online. Xin ông cho biết quan điểm của mình về đánh giá này. Đồng thời, mong ông chia sẻ thêm về những ưu điểm và hạn chế của việc sáng tạo online trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay? Đây có thể trở thành giải pháp lâu dài và thay thế các hoạt động thực tế hay không?Tôi đồng ý với cách tiếp cận đó. Chuyển đổi số, áp dụng các lợi ích của công nghệ kỹ thuật số trong phát triển các sản phẩm và dịch vụ trên các nền tảng số để tiếp tục tạo nguồn doanh thu, trong marketing và truyền thông, trong phát triển khán giả và cộng đồng… là cách thức phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay trong cộng đồng sáng tạo. Giải pháp này nên là giải pháp lâu dài, chứ không chỉ mang tính tạm thời ứng phó với dịch Covid-19. Sau khi dịch qua đi, chuyển đổi số vẫn nên là một trong những giải pháp chính chạy xuyên suốt và song song với các phương thức hoạt động trực tiếp. Dù có đại dịch hay không thì chuyển đổi số cũng đã, đang là xu hướng tất yếu; vì đại dịch, việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo được thúc đẩy với tốc độ gấp rút hơn mà thôi.
Tuy nhiên, giải pháp số trong thích ứng với đại dịch trong khu vực sáng tạo ở Việt Nam cũng có điểm hạn chế: Vấn nạn vi phạm bản quyền trên các nền tảng số khó kiểm soát, cơ chế hỗ trợ việc tạo doanh thu cho các hoạt động sáng tạo trực tuyến và phổ biến các sản phẩm, dịch vụ đó trên các nền tảng số cũng chưa hoàn thiện; năng lực sử dụng công nghệ số của các KGST còn hạn chế, có ít sự hỗ trợ về công nghệ số của các DN và Nhà nước dành cho các KGST ngoài Nhà nước.
|
Công chúng tìm hiểu các không gian sáng tạo được trưng bày tại Lễ phát động cuộc thi ''Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội''. Ảnh: Minh An. |
Thưa ông, những năm qua, hầu hết KGST do giới trẻ gây dựng với nguồn kinh phí eo hẹp, trong khi chi phí thuê mặt bằng ở Thủ đô lại rất cao, chính sách ưu đãi, bảo hộ dành cho các mô hình mang đặc tính phục vụ lợi ích cộng đồng như KGST còn chưa nhiều. Vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài như hiện nay, các cơ quan chức năng, TP Hà Nội cần có những biện pháp nào để hỗ trợ các KGST tồn tại, phát triển?Với trường hợp của Hà Nội, TP Hà Nội có thể cân nhắc tới cơ chế hợp tác công – tư giữa các đơn vị công với các KGST trong tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và cụ thể là các chương trình gắn với danh hiệu TP Hà Nội sáng tạo. Cơ chế này sẽ giúp nâng cao chất lượng sáng tạo, đổi mới của các chương trình đó thông qua các ý tưởng sáng tạo của cộng đồng sáng tạo; đồng thời, tạo điều kiện cho các cá nhân, nhóm, KGST có cơ hội sử dụng cơ sở vật chất của TP, có nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động của mình. Cả hai khu vực đều đang hoạt động với mục tiêu chung là phát triển TP Hà Nội sáng tạo, nếu tìm được tiếng nói chung, chia sẻ nguồn lực cho nhau, trong bối cảnh này, sẽ mang lại hiệu quả nhất định. Giảm thuế kinh doanh, môn bài, hỗ trợ thuê mặt bằng công giá rẻ, kết nối họ với các DN công nghệ kỹ thuật số hoạt động trên địa bàn TP.… cũng là những biện pháp trong tầm tay của Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!