Người nào có gu thẩm mỹ và am hiểu về thời trang mới có thể chọn được hàng thùng đẹp.
Khác với các mặt hàng trong shop thời trang được treo đèn điện sáng lung linh, đối với hàng thùng, dù giá lên đến tiền triệu thì người bán hàng vẫn “chung thủy” với phong cách đổ đống để người mua tha hồ lựa chọn.
Hàng thùng có phải là hàng “chất”?
Chớm đông, vào thời điểm cuối ngày, khu vực chợ hàng thùng Đông Tác và Hoàng Tích Trí càng ấp nập. “Xịn mà rẻ” đó là câu nói cửa miệng của các quý cô khi nhận xét về loại hàng chất đống này.
Những người đam mê hàng thùng thừa nhận: “Đã dùng hàng thùng rồi, không hứng thú với mấy hàng khác nữa”. Chị Lã Thị Mai (Tân Mai, Hà Nội) - “tín đồ” của hàng thùng - người đã từng lang thang “săn” hàng hiệu ở những chốn này từ hồi còn là học sinh tới tận bây giờ, khi đã có 2 con lớn, niềm đam mê ấy vẫn chưa một chút nguôi ngoai, nói: “Mua được hàng thùng, không chỉ cần đủ độ đam mê lục lọi, tìm kiếm mà phải tinh mắt xem chất vải, kiểu dáng, nhãn mác để rồi đánh giá chất hàng”.
Nếu biết cách lựa chọn và kết hợp trang phục, người mua có thể có những bộ đồ ưng ý, không "đụng hàng". |
Chia sẻ "bí quyết" chọn hàng dạ, theo chị Mai: “Khi sờ lên áo, sợi vải đanh, khi đưa ngón tay vê vê, chất liệu không bị xù mà cảm giác vẫn mịn. Đối với hàng kaki phải kiên trì chọn mẫu mã, chất liệu phải dày dặn nhưng không thô ráp. Đối với các loại áo khác, người mua phải cẩn thận xem từ bề mặt không sờn cho tới chất không giãn, không cứng theo kiểu nilon, cổ áo không bị bạc phếch. Quần thì chú ý phần cạp không sờn, rách, gião chun...".
Riêng đối với giày dép và túi, dân “sành điệu” lại có một “mánh” riêng khi chọn đồ. Bạn Thu Anh “tiết lộ” những kinh nghiệm bỏ túi của mình: “Đừng chăm chăm vào màu sắc của giày thế nào (vì phần lớn, hàng thùng đều đã được “mông má”, tân trang lại bằng cách đánh bóng sơn) mà quan trọng hơn hết là kiểm tra xem giày còn nguyên bản, có bị sửa lại, đóng lại gót không, đặc biệt là lớp lót giày bên trong đã bị tung ra hay chưa, có sờn quá hay không?”.
Cầm một chiếc túi xách trong tay, Thu Anh lật đi lật lại, giảng giải cho chúng tôi – những người lần đầu tiên đi chợ hàng thùng - để tránh gặp phải trường hợp hàng giả: “Sau khi đã kiểm tra phần trong của túi thì chuyển sang bề ngoài. Lúc đó mới nên để ý xem màu gì, có sờn da, sờn vải, sứt chỉ, hỏng khóa hay không”.
Nhìn chung, hầu hết những người đi chọn hàng thùng đều tích lũy cho mình những kinh nghiệm riêng nhưng phần lớn họ đều là những người có gu thẩm mỹ và am hiểu về thời trang.
“Tớ mua hàng nhiều, nhìn quen mắt nên thông thường không cần phải thử, phần lớn là tìm hàng của Hàn Quốc, Nhật, thỉnh thoảng có cái “made in Italy” hay Pháp, mua được cũng sướng âm ỉ”, Thu Anh cho biết.
Người nào có gu thẩm mỹ và am hiểu về thời trang mới có thể chọn được hàng thùng đẹp. |
Với gu ăn mặc đơn giản và đa phần lựa đồ văn phòng nên Khánh Vy (Thanh Xuân, HN) thường chọn đồ ở chợ Hàng Da, bởi theo Vy, chợ Đông Tác hầu như không có hàng đẹp, hàng thùng ở Phùng Hưng đa phần là diêm dúa, lại thách giá “trên trời” nên người mua rất dễ bị “hớ”.
“Theo tớ, để "chơi" được với đồ này phải lọ mọ và biết một chút may vá để có thể tự sửa sang lại quần áo đã mua như cắt ngắn chiều dài váy, chiết eo áo, sửa cạp quần, thay khuy... hoặc biết cách móc xích, phối hợp hàng thùng với những hàng mình đã có để tạo nên sự phối hợp hoàn hảo, sẽ hữu dụng hơn rất nhiều”, Vy nói.
Ngoài ra, để tránh bị trả giá “hớ”, Vy nhắc nhở: “Người bán hét giá 170 ngàn đồng, mình chỉ nên ngã giá 40 ngàn đồng, cao nhất cũng chỉ trả số lẻ 70 ngàn đồng thôi nhé. Nếu không được thì “giả vờ” quay đi, chủ quán sẽ tự khắc gọi lại”. Thêm nữa, “dù chiếc áo có đẹp mê hồn, dù mình có thích phát điên lên nhưng bề ngoài đừng bao giờ khen đẹp, phải chê “quyết liệt”, khi ấy, giá trị chiếc áo mới được hạ xuống và người mua nghiễm nhiên được giá rẻ”.
Giới “nghiện” hàng thùng thường phân hàng ra làm hai loại: Hàng “cao cấp” được gọi là hàng đếm chiếc còn hàng “bình dân” chính là hàng mua cân. Các chủ tiệm thường cho biết: Nhiều người có thừa tiền để vào những shop thời trang đắt tiền nhưng họ lại chọn chợ hàng thùng bởi ở đây họ có thể tự chọn cho mình những món hàng độc, thỏa trí sáng tạo kết hợp các mẫu quần áo, hàng phụ kiện.
Mặc dù có hẳn một cửa hàng thời trang trên phố Nguyễn Quý Đức, Hà Nội nhưng chị Liên vẫn chọn cho mình quần áo hàng thùng. Theo chị Liên “người nào biết ăn mặc mới biết chọn hàng thùng”.
Với ki ốt chừng 10 m², chất đầy hàng, chỉ còn một lối đi nhỏ cho khách thử, chị Ngà luôn miệng giới thiệu quần áo nhà chị toàn là hàng đếm chiếc, “trông hơi cũ như vậy thôi nhưng chọn lâu thì nhiều hàng độc lắm”.
Tuy vậy, gọi là “hàng độc” nhưng giá cả của những mặt hàng này thường chỉ dừng ở con số dưới 200.000 đồng/sản phẩm. Váy dạ giá 65.000 – 80.000 đồng/chiếc, đồ len chỉ khoảng 30.000 – 40.000 đồng, áo choàng rơi vào khoảng 150.000 – 200.000 đồng, còn áo măng tô gió xê dịch trên dưới 100.000 đồng.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của những mặt hàng này, các chủ tiệm đều ậm ừ cho qua chuyện, thậm chí nhiều người nóng nảy, tỏ ra cáu gắt, quát mắng xối xả. Bạn Hoài Anh (sinh viên trường Đại học Bách Khoa) có mặt tại chợ Đông Tác lúc đó “bán tín bán nghi”: “Nếu là hàng tốt, nhập về từ Hàn Quốc, Đài Loan thì họ (người bán hàng – pv) phải đon đả giới thiệu, chứ sao phải giấu giếm, úp úp mở mở như thế?”.
Nhiều “thượng đế” đam mê hàng thùng, bỏ nhiều thời gian và công sức săn tìm thứ hàng mà họ coi là “độc nhất vô nhị” này thường tự an ủi: Đó là những đồ hàng hiệu ở các quốc gia tiên tiến khi lỗi mốt được đẩy về Việt Nam. Hoặc hàng “Made in Viet Nam”, may riêng cho các ca sĩ, diễn viên nhưng mặc một lần thì họ thải ra và được gom về quầy hàng thùng.