Đặc biệt, khi nhìn vào những khó khăn trong quá trình triển khai các tuyến đường sắt này, chúng ta cảm nhận được tình yêu sâu sắc của ông đối với TP - tình yêu mà ông thể hiện qua những câu thơ và lời bài hát đầy cảm xúc.
Khó khăn và thử thách
Với những nỗ lực của vị “trưởng tàu” Vũ Hồng Trường và đội ngũ của mình, tuyến đường sắt Metro đã mang lại một bước tiến lớn cho hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội. Tuy nhiên, để thực hiện hóa “những đường tàu uốn cong hòa vào lòng thành phố”, hành trình này đã trải qua biết bao chông gai và thử thách.
Trong bài hát "Metro Hà Nội - Mãi mãi một tình yêu”, TS Vũ Hồng Trường đã khắc họa chân thực những khó khăn khi xây dựng tuyến đường sắt đô thị - một biểu tượng của sự hiện đại hóa và phát triển.
Câu hát "Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, Hà Nội Metro vững vàng tiến lên" gợi lên hình ảnh đầy cảm hứng về sự khởi đầu và tiến bộ. "Một bước chân" tượng trưng cho những khởi đầu nhỏ bé nhưng kiên định, khẳng định rằng mọi thành công vĩ đại đều bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Hà Nội Metro với sự "vững vàng tiến lên" không chỉ là minh chứng cho ý chí vượt qua thử thách mà còn là lời cam kết kiên định với tương lai, quyết tâm mang lại một TP hiện đại và tiện nghi hơn.
“Giọt nước mắt mồ hôi không bao giờ khô cạn/Dù bao khó khăn không quản chi” gợi lên hình ảnh những công nhân làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, bất chấp mọi khó khăn và gian khổ. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng của Thủ đô, “những người lính xung trận” trong thời bình, góp phần tạo nên sự thay đổi lớn lao cho diện mạo TP. Khó khăn trong việc xây dựng hệ thống Metro còn nằm ở sự đoàn kết, quyết tâm và niềm tin của những người thực hiện. Điều này được thể hiện qua câu hát “Hà Nội Metro vẫn vượt lên chính mình/Bỏ lại phía sau bao nhọc nhằn, luôn vững niềm tin”.
Dù đối diện với những khó khăn như tiến độ thi công chậm trễ, các vấn đề kỹ thuật phức tạp hay những cản trở không lường trước, tình yêu đối với
Hà Nội đã trở thành nguồn sáng dẫn đường, tiếp thêm sức mạnh để TS Vũ Hồng Trường và đồng đội không ngừng nỗ lực, “Chung sức dựng xây những công trình thế kỷ, đưa con tàu vượt qua bão giông” như lời tâm sự của ông trong bài hát “Hà Nội - Mãi mãi một tình yêu” (sáng tác đã đoạt giải trong cuộc thi Thanh âm Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô).
TS Vũ Hồng Trường nhìn nhận Hà Nội không chỉ là một nơi mình gắn bó, các dự án không chỉ là một công trình xây dựng mà đó còn là một cơ hội để cống hiến cho sự phát triển bền vững của Hà Nội, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau “Hạnh phúc nào bằng được chung tay xây dựng Hà Nội Thủ đô tươi đẹp mãi tự hào”.
Miền ký ức và khát vọng tương lai
Bài thơ “Ký ức xưa” lại mang đến một khía cạnh khác của tình yêu mà TS Vũ Hồng Trường dành cho Hà Nội - một tình yêu đầy kỷ niệm và nỗi nhớ.
Như đúng tựa đề, bài thơ đã đưa người đọc trở về một Hà Nội dịu dàng và thân thuộc, nơi từng góc phố, con ngõ vang vọng “tiếng hát ngập ngừng”, ánh “đèn dầu lạc” ấm áp cùng “tiếng rao đêm” xa xăm. Từng câu thơ thấm đẫm những nhớ nhung, hoài niệm, sự luyến tiếc như những bông “hoa cau” rụng, gió thổi đi mà hương hoa vẫn vấn vương. Đây là những khoảnh khắc bình dị, mộc mạc gợi lên một Hà Nội đậm chất truyền thống, một Hà Nội mà tác giả không bao giờ quên.
Ký ức xưa
TS Vũ Hồng Trường
Tiếng hát ai ngập ngừng bên ngõ phố
Đèn dầu lạc ai thắp lên ở đó
Tiếng rao đêm gánh cái rét trở về
Thổn thức dương cầm dạo khúc đam mê
Gió bỏ đi hoa cau lại rụng về
Có một thời mang rơm quê rải ổ
Vẫn đèn sách chắc có ai còn nhớ?
Heo may lọt vào giở đếm từng trang
Ta gối đầu lên cổ tích địa đàng
Hạt mưa sa lạc vào trong ký ức
Chơi vơi quá lời mẹ ru tỉnh thức
Con sáo sang sông, sương trắng lỡ làng
Tiếng dương cầm chợt lặng lúc trăng loang
Nhưng nốt nhạc vẫn bay cùng số phận
Ly rượu say tận chân trời chưa cạn
Lả tả trăng rơi, nỗi nhớ hoang vu
Mùa Đông trôi bao chuyện cũ chưa vơi
Đêm dấu lửa, ấm nồng lời thề ước
Không có mưa mà nỗi lòng sao ướt
Đời vẫn mãi xanh khi biết vượt bay lên.
Hà Nội, 30/12/2023
Hà Nội hiện lên với sự đan xen giữa nỗi nhớ và hiện thực, như một bức tranh ký ức sống động, chất chứa những lời thề ước và mang một nét yên bình pha chút buồn man mác “tiếng dương cầm chợt lặng lúc trăng loang” và “ly rượu say tận chân trời chưa cạn”.
Bài thơ khép lại với một thông điệp đầy hy vọng về cuộc sống “Đời vẫn mãi xanh khi biết vượt bay lên”. Dù quá khứ có đẹp đẽ hay buồn đau, dù có đối mặt với bao thử thách và khó khăn, con người Thủ đô vẫn tiến về phía trước, TP Hà Nội vẫn tiếp tục đổi mới và phát triển không ngừng.
Hà Nội đang "vượt bay lên" qua việc mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển các dự án giao thông hiện đại tạo nên một diện mạo mới đầy sức sống và năng động.
Câu thơ này không chỉ khơi gợi ý chí phấn đấu mà còn gợi mở một tầm nhìn về một Thủ đô Hà Nội luôn tươi mới và phát triển bền vững.
Sự kết hợp giữa những ký ức xưa và những hình ảnh hiện đại hóa trong các tác phẩm của TS Vũ Hồng Trường đã thể hiện tình yêu đa chiều mà ông dành cho Hà Nội - một tình yêu nồng nàn không chỉ dành cho những nét đẹp truyền thống mà còn cho sự phát triển không ngừng của TP.