Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mai một nét đẹp văn hóa lễ chùa

Hạnh Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, theo quan niệm dân gian là tháng cô hồn, theo quan niệm của giáo lý nhà Phật đó là mùa Vu lan báo hiếu.

Trong sự hòa quện văn hóa dân gian và giáo lý nhà Phật, tháng 7 âm lịch về, nhiều người dân Việt Nam thường có thói quen đi chùa chiền, thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu… Bên cạnh những người đến chùa lễ Phật, hành thiện tích đức, giữ được nét văn hóa thanh lịch khi đến cửa thiền thì cũng còn không ít người làm mai một bản sắc văn hóa, gây mất mỹ quan hay giảm giá trị văn hóa đích thực khi đi chùa lễ Phật.
Ứng xử thiếu văn minh
Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng 7 (ngày xá tội vong nhân). Nhiều người cho rằng, trong tháng này, họ dễ gặp phải những điều xui xẻo, không may mắn. Những việc trọng đại như cưới hỏi, mua sắm, xây dựng, đi xa vì thế đều tránh trong tháng cô hồn. Ngoài việc làm lễ cúng cô hồn tại nhà thì người Việt còn có thói quen đi chùa chiền, thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu…
Người dân đi lễ Phủ Tây Hồ ngày 19/8 vừa qua. Ảnh: Chiến Công
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, giáo lý nhà Phật không có quan niệm nào gọi tháng 7 là tháng cô hồn, nhưng giáo lý nhà Phật thì có nói về luân hồi sinh tử, đề cập chuyện tùy theo nghiệp lực mỗi người mà sinh về một trong sáu cõi trong đó cũng có cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ. Chính vì vậy, vào dịp rằm tháng 7, nhà Phật cũng có đàn lễ siêu độ cho thập loại chúng sinh.
Tháng 7 âm lịch năm nay đến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản khuyến cáo người dân không nên tụ tập lễ bái đông người. Tuy nhiên, mục sở thị tại các chùa trong ngày đầu tháng 7 âm lịch, vẫn chứng kiến cảnh người người đội lễ, thi nhau khấn vái, tấu sớ, có người còn bỏ cả khẩu trang ra để khấn, cố gắng để át tiếng người bên cạnh, mong Phật chứng giám... mới thấy văn hóa đi chùa khác lạ của người Việt. Chưa kể, những cô gái mặc váy ngắn, cười nói bên cạnh những người đang trang nghiêm khấn vái, lễ Phật… vẫn còn là điều chướng tai gai mắt tại chốn cửa Phật tôn nghiêm.
Thượng tọa Thích Thanh Lịch - Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nam nữ Phật tử cũng chưa hiểu hết ý nghĩa khi đến chùa như có nhiều người đến chùa hái hoa, bẻ cành làm mất đi cảnh quan chốn tôn nghiêm. Những nơi cấm không đốt hương ảnh hưởng đến nơi thờ tự thì vẫn có nhiều Phật tử tùy tiện đi vào khu vực đó thắp hương. Nơi thờ Phật là nơi dành cho tâm linh sâu nhất và đòi hỏi trong mỗi con người khi bước đến cửa thiền là phải có một cái tâm thanh tịnh, cái thân trang nghiêm nhất để chúng ta cầu nguyện cho cuộc sống được bình an, hạnh phúc”.
Ranh giới giữa văn hóa và thiếu văn hóa trong hoạt động tâm linh này đang trở nên quá mong manh bởi những hành động xấu xí. Không phải ai đến chùa cũng hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật, hoặc không biết cách thực hành nghi lễ ở nơi chùa chiền sao cho đúng.
Chưa hiểu biết về đạo Phật
Sự thiếu hiểu biết về giáo lý đạo Phật đang làm méo mó, biến dạng văn hóa đi chùa của người Việt. Do vậy, để hoạt động tín ngưỡng diễn ra đúng với bản chất, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bài trừ mê tín thì cần có cái nhìn đúng đắn về chùa chiền và giáo lý đạo Phật. Tôn trọng những giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật sẽ góp phần nâng tầm giá trị của các lễ hội gắn với chùa chiền, đó cũng sẽ là cách mà mỗi người con Phật thể hiện lòng thành kính tôn nghiêm của mình khi đến cửa chùa.
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Phật không dạy con người phải đặt thật nhiều lễ, mâm cao cỗ đầy thì những lời niệm Phật mới linh. Phật còn dạy chúng ta tiết chế, tiết kiệm. Hòa thượng Thích Thanh Tứ (đã viên tịch) trước kia cùng là đại biểu Quốc hội với tôi. Ông có nói rằng, đi lễ Phật không cần phải lễ to, thậm chí đốt hương cũng phải hạn chế.
Một nén hương thấu tới cửu trùng. Ngay cả đốt vàng mã, đó cũng không phải phong tục nhà chùa. Đó là tục của một đạo khác, không phải của đạo Phật. Thêm nữa, đến cửa Phật lại mang đồ mặn thì hoàn toàn sai. Đặc biệt, đi lễ thành tâm chứ không phải là lễ to hay nhỏ. Hối lộ Phật, hối lộ thánh thần thì càng không nên. Có khi lễ càng to, càng thêm tội lớn trước đức Phật ấy chứ”.
Một hình ảnh dễ nhận thấy nhất thời gian gần đây là vào các mùa lễ, Tết… người dân ùn ùn kéo đến chùa, tiền lẻ rải khắp nơi, từ việc kẹp lên các đĩa hoa quả trên ban thờ đến rải chân tượng, rồi còn nhét tiền tay tượng… Theo Thượng tọa Thích Thanh Lịch: Quan niệm của người xưa, tiền lẻ đặt trong chùa là tiền đóng góp dầu đèn cho những người trông coi chùa. Trải qua thời gian, những người đi chùa đã hiểu sai bản chất tiền dầu đèn, tiền công đức để biến đồng tiền thành thứ hối lộ thần Phật thì hoàn toàn không tốt.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam): “Tác động của cuộc sống vật chất, đặc biệt là sự kém hiểu biết, tâm lý đám đông đã làm tư tưởng Phật giáo bị hiểu sai lệch trong một số người, dẫn đến hành động lệch lạc, ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc”.
Nhiều người đi chùa nhưng không biết chùa đó thờ gì, các ban thờ tưởng nhớ đến ai, thậm chí còn có sự so sánh giữa chùa này với chùa khác, nơi đâu thiêng hơn, nơi đâu cầu xin được nhiều tiền tài, vật chất hơn. Đó là những quan niệm sai lầm, không đúng với giáo lý nhà Phật.
Trách nhiệm của ai?
TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc mai một của văn hóa đi chùa là việc nói rồi, nói mãi nhưng vẫn cần phải nói nữa. “Nhất là các cơ quan báo chí cần lên tiếng để giữ lại những nét đẹp và loại bỏ đi những cái xấu” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong việc chấn chỉnh văn hóa ứng xử nơi đình, chùa không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan truyền thông, mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa, và đặc biệt là việc tu dưỡng ý thức của mỗi người. “Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội có gần 6.000 di tích khác nhau, trong đó có rất nhiều chùa chiền. Hầu như làng nào cũng có chùa thì có thể nói, không biên chế nào có thể quản lý hết việc đó. Quan trọng là mỗi người phải tự mình hành xử sao cho có văn hóa, đặc biệt là phải hiểu biết.
Đi lễ chùa, lễ đền, lễ thánh thì cần phải làm thế nào… Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: Cần chuẩn bị một cái tâm của mình thật trong sáng. Tâm thành thì mọi điều mình mong muốn đều có thể đạt được. Tâm không thành, lại xin rất nhiều thứ thì là tham lam, tức là tham - sân - si, Phật không chứng cho đâu” - TS Nguyễn Viết Chức bày tỏ.
Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi lễ chùa, hiểu được các giáo lý của đạo Phật sẽ góp phần nâng cao các giá trị của đời sống. Mục đích của việc đi chùa là trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh để thăng hoa nhận thức, sám hối những việc làm sai, tu tâm đức và thông qua đó cải thiện đời sống xã hội. Bản thân mỗi người cần gìn giữ và thanh lọc để đi lễ chùa trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh.

"Cần chuẩn bị một cái tâm của mình thật trong sáng. Tâm thành thì mọi điều mình mong muốn đều có thể đạt được. Tâm không thành, lại xin rất nhiều thứ thì là tham lam, tức là tham - sân - si, Phật không chứng cho đâu" - TS Nguyễn Viết Chức


Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thượng tọa Thích Đức Thiện:  Phát tâm là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên

Đạo Phật có tứ ân không chỉ ơn cha mẹ, ơn Tam bảo còn ơn tổ quốc và các anh hùng liệt sĩ. Mùa Vu lan báo hiếu chính là thời gian nhớ công dưỡng dục sinh thành, bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy dành tình cảm yêu thương, sau này có muốn cũng không được. Ai mà cha mẹ quá vãng, hãy dành phút giây tưởng niệm, bằng hành động thực tế hãy phát tâm tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, cụ thể như nhắn tin, ủng hộ người khó khăn, người yếu thế do ảnh hưởng của dịch bệnh, đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên.

Trong văn bản mới nhất Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện đại lễ Vu lan, trong đó có đề nghị Ban Trị sự các cấp, tăng ni phật tử các chùa, cơ sở tự viện đẩy mạnh an sinh xã hội, tham gia ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh. Việc từ thiện vốn là việc thường xuyên, nhưng thời gian này tập trung cao hơn.


Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức: Kiên trì tuyên truyền nên đốt vàng mã đã giảm

Năm 2019, tôi rất hoan nghênh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản kêu gọi không đốt vàng mã ở cơ sở thờ tự bởi nó không đúng với đạo Phật hoặc đốt quá nhiều theo suy nghĩ, đốt nhiều thì được lộc nhiều. Còn trong đời sống của chúng ta, việc đốt nhiều vàng mã vừa gây tốn kém, vừa ảnh hưởng đến môi trường nên tôi rất ủng hộ chủ trương không đốt vàng mã ở nhà cũng như ở chùa. Cứ thiện tâm thì không sợ gì Phật không chứng dám. Chúng ta cứ hăng say lao động, sáng tạo và hành thiện (làm nhiều điều tốt) thì sẽ có thành quả. Các cụ ta đã dạy “tích thiện thì phùng thiện, tích ác thì phùng ác” nghĩa là tích thiện thì sẽ gặp thiện và ngược lại. (Lan Ngọc ghi)