Make in Vietnam để Việt Nam thịnh vượng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020.

Sáng 23/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam”.
Bộ trưởng  Bộ Thông tin & Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện.
Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư.
Lần thứ hai diễn đàn diễn ra, với hai phiên thảo luận, đây là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phát để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Make in Vietnam là kể câu chuyện Việt Nam. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy Make in Vietnam và kể câu chuyện Việt Nam của mình. Bởi vì, người Việt kể câu chuyện Việt cho người Việt nghe sẽ gây cảm hứng, tự hào Việt Nam và khích lệ người Việt có thể làm được.
Một trong những bước tiến được ông nhấn mạnh là Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G, theo ông đây là kết quả của sự lao động sáng tạo và quyết tâm bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.
Bộ trưởng cho biết, chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn. Lời giải vấn đề là công nghệ mở.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy Make in Vietnam sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp cho nước ta phát triển.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi: "Mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc"
Phiên Báo cáo chính tại Diễn đàn gồm 4 câu chuyện phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam từ tư tưởng, chiến lược đến hành động.
Thông qua các câu chuyện, các diễn giả khắc họa những kinh nghiệm có thực từ việc hình thành các doanh nghiệp công nghệ số trưởng thành cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiến tới xây dựng các hệ sinh thái mở doanh nghiệp công nghệ, phát triển huyết mạch nền kinh tế số bằng sản phẩm công nghệ số.
Cùng với các diễn giả trong nước, diễn giả quốc tế đến từ tổ chức Tech Nation chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Vương quốc Anh cùng các khuyến nghị giúp Việt Nam trong việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số.
Cũng tại diễn đàn năm nay, Bộ TT&TT tổ chức Lễ Công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 nhằm vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm xuất sắc. 5 hạng mục sẽ được trao giải gồm Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 có sự đồng hành của Viettel, FPT, BKAV, VinBrain, BeGroup, TPBank, Asanzo, QTSC Software, CMC, MISA, FSI và MobiFone.
Sự kiện thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, đại diện cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, hiệp hội, trường đại học, học viện, và hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần