Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Make in VietNam" và kiến nghị giao việc khó để doanh nghiệp trưởng thành nhanh hơn

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Từ trước đến nay, khi nói chiến lược trong lĩnh vực gì thì câu đầu tiên, doanh nghiệp hay mọi người thường hỏi là nhà nước ủng hộ như thế nào, có chính sách ưu tiên gì? Chúng ta quên mất một vế là nhiều khi, việc tạo ra một khó khăn, thách thức mới là tạo cơ hội cho sự phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ
"Make in Vietnam" thay vì "Made in Vietnam"
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" do Bộ TT&TT tổ chức sáng 9/5, slogan "Make in Vietnam" thay vì "Made in Vietnam" đã thu hút sự chú ý của các đại biểu và giới truyền thông.
Chia sẻ về ý nghĩa của thông điệp, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết, từ cuối 2018 Bộ TT&TT đã tính tới việc phải có một slogan cho ngành công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) nước nhà. Khi đó, có nhiều phương án được đề xuất, như học tập của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan... Sau khi cân nhắc, Bộ mạnh dạn đề xuất thông điệp "Make in Vietnam".
"Make in Vietnam nếu lần đầu nghe sẽ khiến nhiều người có cảm giác có gì đó sai sai, nhưng cũng chính vì thế mà nó tạo hiệu ứng truyền thông. Vì cảm thấy sai, mọi người sẽ phải đọc lại và suy ngẫm", bà Hương giải thích.
Phát biểu tới báo giới bên lề diễn đàn sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Make in Vietnam" là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. "Làm tại Việt Nam" sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ.
Cũng theo Bộ trưởng, để thực sự "Make in Vietnam", Việt Nam cần có sự đóng góp của 3 nhóm doanh nghiệp công nghệ với vai trò khác nhau. Một là nhóm startup - tạo ra những sản phẩm giải pháp mới mẻ, bất ngờ và rất hữu dụng, thậm chí nếu thành công thì có thể mang tính toàn cầu.
Nhóm thứ hai là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Họ dùng công nghệ có sẵn, vận dụng để phát triển sản phẩm, tạo ra giải pháp cho đơn vị khác.
Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp công nghệ lớn, được chia làm 2 nhánh. Thứ nhất là những tên tuổi lớn, từ lâu trong lĩnh vực công nghệ như Tập đoàn FPT, VNG, CMC... Nhánh thứ hai là những doanh nghiệp trưởng thành từ thương mại, dịch vụ, bất động sản, viễn thông như Vingroup, Viettel, Phenikaa... và đang có hướng chuyển mình.
Bộ trưởng Bộ TT&TT kỳ vọng, "Make in VietNam" sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài và góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. "Chiếc nỏ thần Việt Nam" sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc - Công ty LinkSpace - công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. LinkSpace được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam không thể làm điều tương tự?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn
Phát triển doanh nghiệp công nghệ là ưu tiên số 1
Phát biểu khai mạc diễn đàn sáng 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, ngày nay bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh sẽ góp phần định hình lại thế giới.
"Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1", Bộ trưởng khẳng định và chỉ rõ: Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ.
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp.
Cũng tại diễn đàn, người đứng đầu ngành TT&TT đã đưa ra một vấn đề mới đó là, trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính tạo nên những doanh nghiệp hàng đầu.
"Từ trước đến nay, khi nói chiến lược trong lĩnh vực gì thì câu đầu tiên, doanh nghiệp hay mọi người thường hỏi là nhà nước ủng hộ như thế nào, có chính sách ưu tiên gì. Chúng ta quên mất một vế là nhiều khi, việc tạo ra một khó khăn, thách thức mới là tạo cơ hội cho sự phát triển. Do đó, câu chuyện ở đây không chỉ là giảm thuế, cho đất bởi nhiều trường hợp thì những ưu ái đó lại dẫn đến thất bại', Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ TT&TT đưa ra một số kiến nghị dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, hướng tới việc xây dựng chiến lược quốc gia về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Theo Bộ trưởng những đề xuất này mang tính dài hạn hơn là Chính phủ, các Bộ ngành cần nâng cao hơn các tiêu chuẩn đối với sản phẩm Việt Nam. Đó là một biện pháp tăng năng lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp Việt phải đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó là Bộ sẽ kiến nghị không hỗ trợ doanh nghiệp nữa mà nên giao cho họ việc khó, để trưởng thành nhanh hơn.