KTĐT - Để măng không độc, trước khi chế biến nên ngâm măng trong nước, luộc bỏ những nước đầu cho tới khi nước trong.
Có người còn dẫn ra câu nói: “Một quả cà bằng ba thang thuốc” như một minh chứng cho độc tính của cà. Vậy những món ăn ngon như măng, cà pháo, cà bát… có độc hay không?
Theo BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, măng có thể làm gỏi trộn mè, măng hầm, măng xào… Đây là những món ăn ngon, chứa nhiều chất xơ, giúp cơ thể tránh chứng táo bón. Tuy nhiên, trong măng có chứa chất cyanide, chất này có thể biến đổi thành axit cyanhydric gây độc hại cho cơ thể (oxy hóa tế bào hồng cầu, khiến tế bào này không làm tròn nhiệm vụ “chuyên chở” oxy). Người ăn măng độc sẽ bị thiếu oxy trong máu thể hiện qua các triệu chứng: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp… Trẻ em ăn măng tươi rất dễ bị tử vong.
Để măng không độc, trước khi chế biến nên ngâm măng trong nước, luộc bỏ những nước đầu cho tới khi nước trong. Khi luộc măng, lúc nước sôi cần mở nắp cho chất độc bay hơi. Nếu làm măng khô, phải ngâm măng qua nước muối, lúc sử dụng nên rửa măng bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Chú ý, không cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai ăn măng.
Còn về cà, theo Lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về độc tố có trong cà, nhưng kinh nghiệm ông cha ta cho thấy, khi cơ thể vừa mới khỏi bệnh, hoặc đang bị bệnh (cảm, tiêu chảy…) ăn cà, bệnh sẽ nặng hơn. Câu nói: “Một quả cà bằng ba thang thuốc” nhắc nhở chúng ta nên thận trọng khi ăn uống. Điều cần nhớ là cà, trong câu này bao gồm cả cà pháo, cà tím, cà bát.