Gặp bác sĩ Hương trong tiết trời oi bức của ngày hè, dù đang bụng mang dạ chửa, đi lại khó khăn nhưng với công việc chuyên môn, chị lại thoăn thoắt và ân cần với người bệnh. Bén duyên với ngành y, năm 2007, chị tốt nghiệp loại Giỏi và tiếp tục học nội trú hơn 3 năm. Sau đó, chị được giữ lại làm giảng viên tại trường Đại học Y Hà Nội.
“Đối với chuyên ngành răng, hàm, tưởng đơn giản nhưng có 2 mảng tách biệt là mảng răng miệng và mảng phẫu thuật hàm mặt. Ở trường y, tôi dạy về mảng răng miệng (chữa răng, làm răng giả, nắn chỉnh răng), còn đam mê từ khi sinh viên lại là phẫu thuật hàm mặt” - bác sĩ Hương chia sẻ.
Theo tiếng gọi của niềm đam mê, tháng 2/2017, bác sĩ Đặng Thị Liên Hương về Khoa Răng – Hàm – Mặt, BV Đa khoa Hà Đông công tác. Tại đây, chị cùng các y, bác sĩ trong khoa triển khai nhiều kỹ thuật mới để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế chất lượng cao. Chị được BV cử đi học kỹ thuật hàm NAM (Nasoalveolar Moulding) - sử dụng khí cụ tiền phẫu thuật cải tiến cho trẻ sơ sinh có khe hở môi vòm miệng từ giai đoạn sơ sinh và kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ cho trẻ khe hở môi vòm miệng.
Chỉ sau 3 tháng, chị đã làm chủ được kỹ thuật và triển khai ứng dụng ngay tại khoa. Theo bác sĩ Hương, thống kê hiện nay ở Việt Nam có khoảng 1/700 - 1/800 trẻ sinh ra bị khe hở môi vòm miệng. Những trẻ này có thể thực hiện hàm NAM nhưng nhiều gia đình chưa biết đến kỹ thuật này. Quyết tâm làm chủ được kỹ thuật mới, dù gặp không ít khó khăn nhưng bác sĩ Hương vẫn cố gắng khắc phục. Nhớ lại ca đầu tiên thực hiện thành công, chị vui mừng khôn xiết, mất ngủ vì thành công của mình. Chị cho biết, khó khăn lớn nhất khi làm hàm NAM cho một em bé vừa mới đẻ từ 1 - 7 ngày tuổi, đòi hỏi bác sĩ phải vô cùng cẩn thận và lường trước mọi nguy cơ.Không phải ai sinh ra cũng may mắn có được một cơ thể trọn vẹn, khỏe mạnh. “Nhìn các bé bị sứt môi, hở hàm ếch mà tội nghiệp đến nhói lòng. Trong khi hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi phải cố gắng hết sức đem lại nụ cười, niềm vui cho các con và những gia đình thiếu may mắn ấy” - chị Hương chia sẻ. Vì vậy, chị cùng khoa và BV cố gắng tìm các nhà tài trợ để có thể hỗ trợ cho các bệnh nhi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch. May mắn được sự giúp đỡ của bác sĩ Phạm Văn Ái - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) hỗ trợ đào tạo về mặt kỹ thuật và được tổ chức Smaitren ở Mỹ tài trợ, các bé bị khe hở môi vòm miệng được phẫu thuật hoàn toàn miễn phí. Từ đầu năm đến nay, BV đã thực hiện thành công cho 8 bệnh nhân và chương trình vẫn triển khai thực hiện miễn phí đến khi còn tài trợ.