Mang lại sức sống mới cho những “lá phổi xanh”

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của chính quyền, sự tự giác tham gia của các tầng lớp Nhân dân, việc từng bước nỗ lực cải tạo, duy trì và giữ gìn môi trường hồ của Hà Nội đã góp phần tạo nên cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và phát huy giá trị sông, hồ hiện có của Thủ đô.

Tuy nhiên, để những "lá phổi xanh" phát huy hiệu quả thực sự vẫn cần sự vào cuộc tích cực ngay từ ý thức của mỗi người dân.
Cảnh quan quanh hồ được cải thiện

Có mặt tại hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) vào những ngày giữa tháng 3, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận tại khu vực rất nhiều người dân ra ven hồ ngồi chơi, hóng gió, coi đây là điểm đến thư giãn, tập thể dục. Ông Phạm Văn Hoàn, sinh sống tại ngõ 83 đường quanh hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên) cho biết: “Trước đây, hồ Ba Mẫu bị ô nhiễm trầm trọng. Lòng hồ không được nạo vét bùn, người dân hầu như không ai ra khu vực gần hồ vì mùi hôi thối. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, sau khi được cải tạo, môi trường hồ được cải thiện rõ rệt, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Các đơn vị như công ty môi trường, công ty thoát nước cũng thường xuyên duy trì, vệ sinh tại khu vực xung quanh hồ.”
 Hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên, quận Đống Đa) được coi là điểm thư giãn, tập thể dục của người dân. Ảnh: Hà Ánh
Tại Hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cũng là điểm đến thư giãn mỗi ngày của người dân, Chị Khương Thị Phượng (ngõ 290, phố Kim Mã) chia sẻ: Hàng ngày tôi thường duy trì thói quen đi bộ quanh hồ và buổi sáng sớm và chiều muộn, không khí rất trong lành, dễ chịu. Có thể thấy, việc chỉ đạo rốt ráo của lực lượng chức năng, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm hồ Ngọc Khánh cũng như duy trì cảnh quan, trật tự đô thị xung quanh hồ đã đem lại hiệu quả đáng mừng.

Không chỉ chị Phượng, nhiều người dân sống quanh khu vực có hồ tại nội thành, ngoại thành Hà Nội đã được xử lý ô nhiễm trên địa bàn TP đều rất phấn khởi và ủng hộ chương trình cải tạo môi trường hồ được thực hiện thời gian qua, từ đó nâng cao ý thức của mỗi người trong công tác giữ gìn môi trường chung của TP. Theo Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thanh Lương, sau khi hồ được cải tạo thì việc duy trì và giữ gìn môi trường hồ trên địa bàn là rất quan trọng và cần thiết. Đối với hồ Ba Mẫu, các cấp hội của phường như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… đều rất tích cực vận động, tuyên truyền cho người dân không xả rác, phế thải ra lòng hồ. Thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, hàng tuần, đảm bảo vệ sinh khu vực hồ.

Theo thống kê, TP Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với 122 hồ nội thành, 185 hồ ngoại thành và 13 con sông chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị, tránh úng, ngập cục bộ. Không những thế, các hồ trong nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội. Cùng với các đề án, giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc cải tạo môi trường sông, hồ, TP đã đẩy mạnh tiến hành cải tạo kè đá, nạo vét, xây dựng đường dạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ, một số hồ được xây dựng hệ thống cống tách nước thải, cửa phai, trạm bơm thoát nước. Các hồ sau cải tạo đã giải quyết được hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ, điều kiện vệ sinh mặt hồ và xung quanh hồ được bảo đảm, chất lượng nước được cải thiện.

Vẫn còn những “điểm đen”

Bên cạnh các hồ trên địa bàn TP được quan tâm, chú trọng trong công tác duy trì đảm bảo môi trường hồ thì hiện nay, một số hồ vẫn là "điểm đen" về môi trường. Khu vực các hồ điều hòa trong công viên Yên Sở (quân Hoàng Mai) là một ví dụ điển hình. Các hồ điều hòa có dấu hiệu bị ô nhiễm, nhiều loại rác thải chất những tầng dày tại các góc hồ.
 Thu gom rác thải tại hồ Giảng Võ, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nước ở các hồ điều hòa trong công viên Yên Sở chuyển màu đen, có mùi hôi nồng nặc; nhiều loại rác thải chất thành từng mảng, những tầng dày bám vào các góc hồ. Một người dân tập thể dục hàng ngày tại đây cho biết, lớp rác thải dày trong các hồ đã xuất hiện từ khá lâu và ngày càng nhiều, có khi nổi kín mặt hồ nhưng chưa thấy đơn vị quản lý công viên thu gom, xử lý. Măc dù là công viên cây xanh lớn của TP nhưng không lúc nào không thấy mùi hôi; nếu trời oi bức thì mùi hôi còn nặng hơn. “Nếu cứ để rác thải dồn ứ lâu ngày, mỗi ngày một nhiều hơn, chẳng mấy chốc hồ điều hòa sẽ thành “hồ chứa rác”, mọi người sẽ không dám đến đây để đi dạo hay vui chơi nữa”- một người dân bày tỏ lo ngại.

Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, hồ Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ), tình trạng rác thải vẫn tái diễn, nước tại các góc hồ chuyển màu. Có thể thấy, so với những năm trước đây, sau khi hồ Đền Lừ được đưa vào cải tạo, nạo vét lòng sông đã thuyên giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, cảnh quan xung quanh hồ vẫn là điều đáng nói khi hàng quán mọc lên như nấm và thải rác ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trật tự đô thị.
Thậm chí, một góc của công viên quanh hồ trở thành bãi tập kết rác tự phát làm mất đi hình ảnh công viên hiện đại, xanh sạch đẹp của Thủ đô. Chị Nguyễn Thị Vân – công nhân của Công ty môi trường dọn dẹp tại khu vực hồ Đền Lừ cho biết, đã nhiều lần bắt gặp người dân, hàng quán trà đá tại đây rả rác thẳng xuống hồ. Chị nhắc nhở nhưng không hiệu quả, "mình nhìn thấy người ta xả, mình nói mà người ta vẫn chối".

Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, việc cải tạo, xử lý ô nhiễm hồ đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng tình trạng ô nhiễm hồ vẫn có thể xảy ra nếu các nguồn xả thải ra hồ không được kiểm soát chặt, rất có thể chưa đến kỳ cải tạo hồ đã lại ô nhiễm nặng nề, cùng với đó là tình trạng xả rác bừa bãi của các hộ kinh doanh, người dân. Chính vì vậy, chừng nào các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì tình trạng ô nhiễm vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào, tàn hại hệ thủy sinh các hồ.

"Nội đô là khu vực tập trung đông dân cư. Hệ thống hồ, ao và sông ngoài chức năng điều hòa, tiêu thoát nước còn là các điểm nhấn về cảnh quan. Chính vì vậy, cần hơn nữa sự vào cuộc, sự nỗ lực của các cơ quan liên quan như công ty môi trường, công ty thoát nước. Hơn thế nữa, là sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương trong việc xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng hơn là người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan ở những khu vực này, từ đó mới đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững."- PGS.TS Bùi Thị An