Vượt mục tiêu kế hoạch
Chị Lê Thị Huệ ở thôn Trung Cao (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) cho biết, nhiều năm về trước vào mùa khô, người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước. Các hộ dân thậm chí phải đi mua nước sạch từ nơi khác với giá cao để tích trữ, sử dụng cho mục đích ăn uống. Niềm vui đến với gia đình chị Huệ và hơn 5.700 hộ dân khác khi trạm cấp nước liên xã Trung Hòa - Trường Yên chính thức đi vào vận hành. Công trình do WB tài trợ đã mang đến nguồn nước sạch cho hơn 23.100 nhân khẩu của hai xã Trung Hòa và Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Có nước sạch để sử dụng, đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện.
Nhờ hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới, nhiều người dân huyện Chương Mỹ đã được sử dụng nước sạch. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Cùng với trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hòa - Trường Yên, những năm qua, Hà Nội đã đưa vào vận hành ổn định 5 trạm cấp nước sạch khác từ nguồn vốn vay WB. Cụ thể là các trạm cấp nước sạch liên xã Phong Vân - Cổ Đô (huyện Ba Vì), Hiệp Thuận - Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), Tam Hưng - Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), Liên Phương - Hồng Vân - Thư Phú - Hà Hồi - Vân Tảo (huyện Thường Tín) và công trình cấp nước sạch tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức).Thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung do WB tài trợ là 67.301 hộ, với tổng số người được hưởng lợi là trên 151.300 người. Đáng chú ý, con số này cao hơn 12% so với mục tiêu ban đầu chương tình PforR đặt ra.Thay đổi nhận thức về nước sạchKết quả của hợp phần nước sạch từ chương trình PforR mang lại không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương được hưởng lợi. Mặc dù vậy, việc quản lý vận hành các trạm cấp nước hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Theo Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Hồng Hải, để nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước yêu cầu đặt ra là cần xã hội hóa. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc các thủ tục, quy định hiện hành.Ngoài ra, ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung vẫn còn khá hạn chế. Người dân ưu tiên sử dụng nước sạch cho ăn uống, trong khi nguồn nước phục vụ các mục tiêu khác thì chủ yếu vẫn dùng nước giếng khoan. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những năm qua, nhận thức của đại bộ phận người dân nông thôn về vấn đề nước sạch đã được cải thiện. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo quản lý, vận hành tốt nhất các trạm cấp nước, bảo đảm nguồn nước cấp an toàn, đầy đủ đến với người dân.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ chủ động phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh việc tổ chức lại quản lý, vận hành các trạm bơm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư.
Thực hiện Chương trình PforR, WB đã hỗ trợ vốn vay trị giá 743 tỷ đồng để Hà Nội triển khai 6 dự án cấp nước sạch liên xã. Chương trình gồm 3 hợp phần với mục tiêu cấp nước sạch cho 60.000 hộ dân, cải thiện điều kiện vệ sinh cho 20.180 gia đình và giúp 198.360 người được hưởng lợi từ các “xã vệ sinh toàn xã”. Đến nay, cả 3 mục tiêu trên đều vượt kế hoạch. |