Những ngày giữa tháng Chạp năm Canh Tý, chúng tôi tìm đến khu trọ của những NLĐ nằm sát sông Hồng, thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). 8 giờ tối nhưng khu phòng trọ vắng hoe, may mắn lắm chúng tôi mới gặp 3 người phụ nữ lớn tuổi mới đi nhặt rác về. Chỗ ở của họ gọi là phòng nhưng chỉ rộng chừng 5m2, quây tôn bốn phía và trên mái, có khe hở ngăn che được gió lạnh ngoài sông Hồng thổi vào. Những phụ nữ này cho biết, họ đi nhặt rác mỗi ngày được vài chục nghìn đồng nên thuê phòng giá rẻ 300.000 đồng/tháng (chưa tính tiền điện) mong có chỗ ngả lưng mỗi khi đêm về. Khi hỏi về việc mua sắm Tết, mọi người đều cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm ăn khó khăn nhưng theo phong tục cổ truyền vẫn phải có cái Tết đủ đầy. Có thể, ngày 28 Tết, chúng tôi mới đi mua vài loại quả, bánh mứt kẹo, nhà nuôi được mấy con gà, trồng su hào nên chỉ cần mua thêm cân thịt lợn để làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên và sắm cho các con bộ quần áo mới đón Tết".
Những ngày chưa có dịch Covid-19, từ 9 giờ đêm, chợ đầu mối Long Biên đã hoạt động rất nhộn nhịp. Các lối dẫn vào chợ nhộn nhịp khách đến mua buôn, thậm chí đông đến tắc đường. Ấy thế mà, những ngày này, gần 10 giờ đêm, chợ Long Biên vắng lạ thường. Một phụ nữ trung tuổi (quê Hà Nam) đang ngồi phía đầu chiếc xe kéo khu vực bán hoa quả chia sẻ: "Năm nay, buôn bán ế ẩm nên chúng tôi ít việc, thu nhập giảm 1/3. Tôi rất sốt ruột khi mỗi tháng phải trả gần 1,5 triệu đồng thuê phòng, chưa kể chi phí gửi xe, ăn uống hàng ngày, gửi tiền về quê cho con ăn học. Tôi hy vọng từ 23 Tết, hàng bán chạy, nhiều việc làm để kiếm tiền về quê mua sắm Tết và đón năm mới cùng gia đình.
Nhiều NLĐ tự do đi xe ôm, rửa bát, bán hàng rong, hàng nước trên phố cổ Hà Nội cho biết, tình hình khó khăn chung nên họ đều cố gắng làm việc đến những ngày cuối cùng của năm cũ. Nhớ về thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi thực hiện giãn cách xã hội, dù ở tỉnh khác đến ở thuê nhưng họ vẫn được hỗ trợ gạo, mỳ tôm, mỳ chính, nước mắm của chính quyền, tổ chức, cá nhân. Chính vì thế, nếu phải vì lý do nào đó không về được quê đón Tết, họ cũng sẽ được đón cái Tết vui vẻ ở nơi nhà trọ bởi sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Đón “Tết sum vầy - kết nối yêu thương”Với quan điểm tất cả mọi gia đình đều có Tết, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tặng quà Tết năm 2021 cho các đối tượng chính sách và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội trao 5.000 suất quà Tết (1.000.000 đồng/suất) cho đoàn viên Công đoàn, NLĐ. Cùng với đó là 500 suất quà Tết (mức 500.000 đồng/suất) tặng cho con của đoàn viên Công đoàn. Mới đây, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức chương trình “Tết sum vầy” có sự tham gia của gần 1.000 đoàn viên và NLĐ. Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp với các DN trao hơn 80.000 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, tặng hơn 90.000 vé xe, hỗ trợ phương tiện đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.
Tham dự “Tết sum vầy” 2021, công nhân lao động Thủ đô không chỉ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc mà còn được thi gói bánh chưng, bốc thăm trúng thưởng. Đáng chú ý, phiên chợ Tết với 24 gian hàng của 20 DN giảm giá từ 10 - 50% đã thu hút được đông đảo NLĐ tham gia mua sắm. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tặng 800 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn phiếu mua hàng 0 đồng với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng để mua sắm tại phiên chợ này.
Ngoài tham gia những hoạt động của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, phía Công đoàn ngành cũng có những chương trình khác. Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng (Hà Nội) Phùng Văn Chung cho hay: "Chúng tôi tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương”, trong đó ưu tiên lựa chọn, hỗ trợ đoàn viên Công đoàn và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch Covid-19, gia đình chính sách... Đối với những DN khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Công đoàn ngành Xây dựng đề xuất, kiến nghị để NLĐ được thanh toán tiền lương, thưởng trong dịp Tết. Cùng với đó là tổ chức hoạt động “Hỗ trợ phương tiện đối với NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”.
Khi đón nhận được thông tin sẽ được Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng quà cho đoàn viên Công đoàn nhân dịp Tết Nguyên đán, chị Ninh Thị Loan - công nhân vệ sinh môi trường Chi nhánh Hoàn Kiếm thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đang làm việc ở phường Hàng Buồm và Hàng Bạc, phấn khởi nói: "Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân môi trường, có hai con nhỏ, trong đó một cháu bị bệnh tim bẩm sinh. Từ trước đến nay, năm nào tôi cũng được Công đoàn ngành tặng quà Tết, là sự động viên giúp chúng tôi yên tâm làm việc. Về phía công ty, đợt Tết Dương lịch 2021, mỗi công nhân được thưởng Tết 2,5 triệu đồng và một túi quà. Chúng tôi hy vọng thưởng Tết Âm lịch là một tháng lương cơ bản để đón cái Tết ấm áp, đủ đầy".
Về phía các DN, bên cạnh việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển sản xuất, là xây dựng phương án thưởng Tết. Tuy rằng, mức thưởng Tết năm 2021 giảm nhẹ so với năm trước nhưng đa số NLĐ đều có thưởng Tết. Đặc biệt, những DN phát triển tốt thì thưởng cho NLĐ nhiều hơn năm trước để động viên kịp thời.
Lãnh đạo nhiều DN du lịch, khách sạn, vận chuyển chia sẻ, năm qua dù hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nhiều, nguồn lợi thu được rất ít nhưng sẽ cố gắng tính toán để có thưởng Tết là 1 tháng lương hoặc hiện vật để NLĐ nào cũng có Tết. Các chủ sử dụng rất mong muốn NLĐ đồng hành, sẻ chia và hy vọng trong năm 2021 tình hình dịch bệnh được khống chế để hoạt động phát triển, kinh doanh khởi sắc.