Tủ sách đến với người dân thôn HoànhNhững ngày đầu tháng 10/2020, từ người già đến trẻ nhỏ ở thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) bỗng nhiên háo hức lạ thường khi tại Nhà văn hóa thôn tổ chức đón nhận hơn 1.000 cuốn sách thuộc các lĩnh vực khoa học, lịch sử, văn học, kỹ năng sống, từ điển, sách tham khảo cho học sinh, cùng với giá sách, các danh ngôn, châm ngôn về giá trị của sách, văn hóa đọc do Bộ VHTT&DL phối hợp các nhà sách trao tặng. Hào hứng với những cuốn sách được trang bị tại Nhà văn hóa thôn Hoành, bà Nguyễn Thị Xuân, một người dân sinh sống nơi đây chia sẻ: “Người dân nông thôn chưa được tiếp cận nhiều với sách liên quan pháp luật, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn phát triển kinh tế nông nghiệp, làm giàu... Chúng tôi cảm ơn các cơ quan chức năng đã quan tâm, giúp người dân có thêm điều kiện tự trau dồi, nâng cao kiến thức”.
Có mặt trong buổi lễ giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) Vũ Dương Thúy Ngà bày tỏ mong muốn Nhà văn hóa thôn Hoành sẽ là thư viện của địa phương, góp phần làm giàu tri thức cho người dân, đặc biệt là trẻ em... Thông qua tủ sách và hoạt động thường xuyên của Nhà văn hóa, Nhân dân địa phương sớm hình thành thói quen đọc sách, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập và con người Việt Nam phát triển toàn diện...
Không chỉ tủ sách ở Nhà văn hóa thôn Hoành, mô hình tặng sách, phát triển văn hóa đọc còn được quan tâm thực hiện ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, TP luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa để phục vụ người dân đến đọc sách, tìm hiểu kiến thức, thông tin. Nhiều nơi đã hỗ trợ kinh phí thường xuyên, có sáng kiến đẩy mạnh học tập tại các hệ thống thiết chế văn hóa.
Con đường dài để thấm nhuần tinh thần học tậpTheo đánh giá của Bộ VHTT&DL, qua 5 năm thực hiện Quyết định 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ", các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Hoạt động thư viện luôn được đổi mới theo hướng phát huy nguồn lực hiện có, mở rộng các dịch vụ mới, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách, báo. Công tác luân chuyển sách, phục vụ lưu động được tăng cường. Trung bình, mỗi thư viện tổ chức hơn 40 đợt luân chuyển, phục vụ lưu động/năm. Trong hoạt động bảo tàng, nội dung trưng bày được sáng tạo không ngừng. Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản đến cơ sở thông tin các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, đổi mới hoạt động bảo tàng gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường.
Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mọi người dân. Để cụ thể hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngành văn hóa còn cả một con đường dài phía trước với nhiều nhiệm vụ cần thực hiện. Đó là việc huy động tính sáng tạo, nguồn lực xã hội hóa cũng như làm sao đẩy mạnh được công tác tuyên truyền, thực hiện đề án học tập suốt đời. Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để đề án thật sự hiệu quả, mỗi địa phương nên quan tâm đến chất lượng của phong trào, tìm nhiều đầu sách hay, thiết thực với người dân; các bảo tàng, điểm văn hóa phải xây dựng được các chuyên đề giới thiệu gần gũi với du khách…