Xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái mặc dù đã được công nhận là xã nông thôn mới, nhưng nhiều trẻ em học bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDT bán trú) vẫn thiếu ăn, do không còn chế độ bù đắp của Nhà nước.
Trong Thư ngỏ của cô giáo Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Búng gửi các đơn vị, doanh nghiệp để xin tài trợ, hỗ trợ cho học sinh năm học 2024 -2025, có nhiều đoạn rất xót xa:
"Năm học 2024 -2025, trường có 398 học sinh trên 14 lớp trong đó có 228 học sinh tự đi đến trường học và trở về nhà trong ngày, 127 em không thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền ăn và gạo ăn, với khoảng cách từ nhà đến trường từ 10 - 13km, đường xá đi lại nguy hiểm, dốc cao, hàng ngày không thể đến trường học và trở về nhà trong ngày. Hơn thế, các em đều thuộc diện gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông, với mong muốn các em có điều kiện tham gia học tập tốt khi không có chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ cho 127 em học sinh của trường các nhu yếu phẩm như gạo, dầu, đường, sữa, vừng, lạc, trứng… để các em có bữa ăn hàng ngày, duy trì được việc học tập."
Xã Chế Tạo thuộc huyện Mù Cang Chải, là một trong những xã xa nhất, với đường đi hiểm trở. Xã cách trung tâm huyện 35 km, nơi các hộ dân người dân tộc thiểu số sống rải rác ở 6 bản. Đặc biệt, các bản Háng Tày, Pù Vá, Tà Dông, Kể Cả là những nơi xa và khó khăn nhất, không có chợ, sinh hoạt chủ yếu tự cung tự cấp. Tại đây có một điểm trường Mầm non chính và ba điểm trường lẻ tại các bản Háng Tày, Tà Dông, Kể Cả với hơn 180 cháu bé. Trong đợt bão lũ vừa qua, xã Chế Tạo có nhiều điểm sạt lở. Duy nhất một con đường độc đạo, dốc đứng, nhiều đoạn chỉ có thể đi một chiều vì đường quá nhỏ, chỉ trừ một số ít người dân bản địa chạy xe máy mang thảo quả, sơn tra, su su ra ngoài thị trấn bán, còn hầu như không có khách đến đây.
Khoảng 4 giờ 30 phút sáng ngày 5/10, khi đến huyện Văn Chấn, đoàn gặp sự cố với lốp xe và phải dừng lại để khắc phục.
Tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ”, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước cùng Hà Nội” của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, được sự phân công của Đảng uỷ - Ban Biên tập - BCH Công đoàn Báo Kinh tế và Đô thị, Ban Các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú (VPĐD&PVTT) đồng hành cùng Trung tâm Giáo dục đặc biệt Ngọc Ân đã có chuyến hành trình đến 2 điểm trường trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn, thuộc tỉnh Yên Bái để trao tặng các phần quà hỗ trợ trẻ em nơi đây. Trước khi xuất phát, Đoàn nhận được sự động viên, dặn dò từ Bí thư Đảng uỷ, Tổng biên tập - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Anh Đức, vì hành trình lần này tương đối khó khăn, vất vả.
Đồng hành cùng với Đoàn công tác để mang gạo, nhu yếu phẩm như dầu ăn, cá hộp, nước mắm, đường trắng, hạt nêm, ruốc...đến với trẻ em tại tỉnh Yên Bái có: Trung tâm giáo dục đặc biệt Ngọc Ân, Ban Thông tin đối ngoại - Báo Kinh tế và Đô thị; Công ty Bất động sản Hà Nội Mới; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Kim Thành (Hải Dương); Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Đông Phương (Hải Phòng); Công ty Đồ hộp Canfoco Hạ Long; chùa Linh Quang Tự (còn gọi là Sen Hồ), xã Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, các mạnh thường quân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Búng, các thầy cô xúc động chia sẻ: 127 học sinh bán trú đều ở rất xa trường, từ 10-13 km. Các em chỉ có thể về nhà vào ngày cuối tuần, hiếm hoi có gia đình đi đón, còn lại là đi bộ.
Bão lũ qua đi, nhiều học sinh bán trú có nguy cơ nghỉ học. Bởi gia đình các em bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, không thể đóng góp gì cho con đi học. Các thầy cô đã phải động viên bố mẹ các em, đặc biệt là gia đình 127 học sinh không có hỗ trợ tiền ăn từ Nhà nước, xoay sở nuôi các em, để không học sinh nào bỏ học.
Mỗi học sinh một tuần nộp 2 kg gạo để nấu ăn, các thầy cô ngược xuôi đi vận động, xin xã hội hoá khắp nơi để đảm bảo chi phí khoảng 15.000 đồng/ngày/1 học sinh bao gồm cả tiền ăn, tiền điện, tiền đun nấu…
Theo các thầy cô ở đây, dù chỉ nộp 2 kg gạo/tuần, nhưng nhiều học sinh vẫn không thể có và gia đình xin cho con nghỉ học. Thương học sinh, không thể để các con thất học, thầy cô lại xuôi ngược đi xin từ gạo, dầu, mắm muối, vừng lạc…
Từ Nậm Búng đi xã Chế Tạo, đoàn công tác gặp vô vàn khó khăn khi đường xấu, cua nhiều, dốc cao, nhiều xe ô tô chết máy, cháy phanh…. Chiếc xe tải chở hàng của đoàn không thể leo qua con dốc cao dựng đứng, đành phải để lại giữa chừng.
Mồ hôi nhỏ thành giọt, thấm đẫm lưng áo các thành viên trong đoàn, vì chuyển hàng từ chân dốc, lên gần đỉnh dốc để chuyển sang xe khác, nhưng ai nấy đều cố gắng, quyết tâm đưa bằng được gạo và nhu yếu phẩm đến cho các cháu ở các điểm trường Mầm non.
Một phóng viên phải ngồi trên cabin xe trung chuyển để trông hàng, 3 phóng viên và thành viên đoàn công tác của Trung tâm Giáo dục đặc biệt Ngọc Ân phải ngồi trên thùng xe tải để đi vào xã Chế Tạo.
Sau hơn 35 km đường núi, cua tay áo, dốc cao dựng đứng, nhiều đoạn không có taluy, vực sâu thẳm, chỉ duy nhất đường độc đạo, hai xe không thể tránh nhau, hàng chục km chỉ có mây trời, rừng già và tiếng suối gầm gào bên dưới, đoàn công tác cũng đã vào đến điểm Trường Mầm non xã Chế Tạo.
Cô giáo Hiệu trưởng Giàng Thị Máy khi thấy xe của đoàn công tác, oà lên vui mừng vì tưởng đoàn đã bỏ cuộc, không thể đến được với các cháu học sinh. Cô ôm lấy các thành viên trong đoàn công tác, gương mặt sáng bừng trong trời chiều.
Cô Giàng Thị Máy cho biết, điểm trường chính hiện có 66 cháu học sinh, điểm trường lẻ Tà Dông cách điểm trường chính hơn 10 km có 3 phòng học với 27 cháu, thầy giáo Giàng A Lâu và cô giáo Giàng Thị Sầu là hai thầy cô chịu trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Điểm trường lẻ Kể Cả có 51 cháu với 4 cô giáo Giàng Thị Dua, Giàng Thị Pàng…điểm trường lẻ Háng Tày, là điểm xa trường chính nhất với khoảng cách hơn 25 km, có 2 lớp học với 43 cháu, với 3 cô giáo Sùng Thị Hạnh, Hạng Thị Háng và Điêu Thị Hưởng.
Tại đây, 100% các cháu là con của đồng bào dân tộc Mông. Ở điểm trường chính, các cháu ở trường cả ngày, buổi chiều bố mẹ đến đón, các cháu được Nhà nước hỗ trợ 160.000 đồng/tháng tiền ăn trưa, trẻ học lớp 5 tuổi và hộ nghèo được miễn phí tiền học.
Khó khăn lớn nhất đối với thầy trò ở đây chính là điểm trường quá xa trung tâm, đường đi cách trở, nhưng bù lại trong những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên các gia đình tại 6 bản thuộc xã Chế Tạo đã dần có ý thức, hiểu biết và đưa con đi học, để các cô chăm sóc, dạy dỗ, không để các con lang thang bụi cây bờ cỏ khi bố mẹ đi làm. Các thầy cô 100% bám bản, bám trường, chấp nhận xa gia đình để chăm sóc và dạy dỗ các con.
Điểm trường lẻ Tà Dông, cách điểm trường chính gần 10 km, hàng hoá được các thầy cô giáo và phụ huynh nhận, để nấu cho các cháu ăn tại trường và ăn thêm ở nhà. Điểm trường lẻ Háng Tày, nơi "lên đỉnh núi cao, cách trời ba thước", cách điểm trường chính hơn 25 km, cuộc sống và sinh hoạt còn gặp khá nhiều khó khăn, vất vả, các cháu được nhận quà, nhưng thầy cô là người vui mừng hơn cả, bởi vì các cháu thêm được bữa cơm ngon.
Cô Giàng Thị Máy xúc động chia sẻ: đoàn công tác đã mang đến cho các cháu những phần quà rất ý nghĩa và thiết thực để bổ sung thêm thức ăn cho các cháu. Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các cháu học sinh, xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Báo Kinh tế và Đô thị, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Ngọc Ân, các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã yêu thương và chia sẻ với các cháu học sinh.
Nhìn ánh mắt những đứa trẻ ánh lên niềm vui, sự xúc động của các thầy cô giáo, mọi mệt mỏi của các thành viên trong đoàn công tác tan biến. Thương lắm các thầy cô bám bản, bám trường, hết lòng vì học sinh, thương lắm những học sinh mặc dù còn quá nhiều khó khăn trong cuộc sống vẫn vượt 10 - 13km đường đèo dốc thăm thẳm đến trường trong nắng gió, mưa dầm, không bỏ học.
Dù cuộc sống còn nhiều gian nan phía trước, vẫn mong mỏi và hi vọng rằng, từ tình yêu thương đối với học sinh, các thầy cô sẽ kiên cường vượt qua, để tiếp tục hành trình gieo ý thức, gieo văn hoá, đặc biệt, gieo niềm tin cho học sinh và phụ huynh về một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn nơi vùng cao Tây Bắc.
Một lần nữa, Báo Kinh tế & Đô thị xin chân thành gửi lời cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, đồng hành với Báo trong các hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng gặp khó khăn, bão lũ,... Trong thời gian tới, Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều sự tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân, cố gắng duy trì các hoạt động xã hội sẻ chia với người yếu thế, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, để góp phần mang lại sự bình yên, no đủ đến với mọi nhà.
11:44 09/10/2024