Cảnh sát hình sự vào cuộc
Vấn nạn “cò mồi” khách là thách thức thực sự với các bến xe lớn của Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát… Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tâm lý ngại ngần của hành khách, không muốn đến bến đi xe khách liên tỉnh mà ngày càng ưa chuộng xe khách “trá hình”, đón tận nơi đưa tận chốn.
Vừa qua, Kinh tế & đô thị cũng đã có bài viết: “Tại sao chưa dẹp được vấn nạn cò bến xe”, phản ánh tình trạng lái phụ xe khách, xe ôm, taxi, cò chuyên nghiệp hoạt động ngang nhiên, gây phản cảm, mất an ninh trật tự tại một số bến xe lớn.
Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, tồn tại này đã được nhận định rõ có tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến chất lượng dịch vụ của bến nói riêng và xe khách liên tỉnh nói chung.
“Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm” - vị này cho biết.
Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch nhằm từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng chèo kéo khách, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và mỹ quan đô thị; lành mạnh hoá môi trường bến xe, thu hút khách và phương tiện vào bến.
Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Hoàng Tùng thông tin, được sự hỗ trợ tích cực của Công an quận Hoàng Mai, Công an phường Giáp Bát, kết quả trong tháng 10, tại Bến xe Giáp Bát, lực lượng chức năng đã xử lý khoảng 40 trường hợp “cò mồi” bên ngoài chèo kéo hành khách. Hàng chục trường hợp bán hàng rong, lấn chiếm khu công cộng tại bến xe cũng được xử lý, giải toả.
Ngoài ra, Bến xe Giáp Bát và Công an phường sở tại còn phối hợp, lập biên bản xử lý hơn 40 lái phụ xe có hành vi chèo kéo khách, hoặc gây mất trật tự, ATGT tại khu vực bến xe.
“Bộ mặt của Bến xe Giáp Bát đã thay đổi rõ rệt. Các hoạt động đều có quy củ hơn, không còn tình trạng cò mồi chèo kéo khu vực trước cửa bến xe; đội ngũ xe ôm cũng chỉ được hoạt động trong những khu vực quy định”- ông Nguyễn Hoàng Tùng nói.
Tương tự, hoạt đồng “cò mồi” tại Bến xe Mỹ Đình cũng bị trấn áp mạnh. Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Vương Duy Dũng cho biết, đơn vị đã đề nghị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cử cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ xử lý “cò chuyên nghiệp” bên ngoài vào bến chèo kéo khách.
“Đến thời điểm này có thể khẳng định, tình trạng “cò mồi” tại bến Mỹ Đình đã được xử lý trên 90%. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an phường Mỹ Đình 2 vẫn đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chúng tôi trong việc triệt xoá hiện tượng “cò mồi” - ông Vương Duy Dũng nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị quản lý bến Mỹ Đình cũng khẳng định đã chấm dứt tình trạng hàng rong đeo bám khách bên trong bến. Xe ôm, taxi đã được sắp xếp chỗ đỗ ngăn nắp, quy củ.
Không dễ duy trì trật tự
Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho rằng, việc lập lại trật tự, triệt xoá “cò mồi” đã khó, duy trì hiệu quả lâu dài còn khó khăn hơn rất nhiều. “Để giữ gìn an ninh trật tự tại bến, mỗi cá nhân của đơn vị phải nỗ lực hết sức. Bên cạnh đó còn cần sự phối hợp, hỗ trợ thường xuyên, chặt chẽ của lực lượng chức năng” – ông Nguyễn Hoàng Tùng nói.
Theo ghi nhận, hiện Công an phường Giáp Bát và Công an quận Hoàng Mai vẫn cử cán bộ, chiến sỹ bám địa bàn, chốt trực cùng đơn vị quản lý bến duy trì trật tự. Tương tự, bến Mỹ Đình cũng được hỗ trợ tối đa để ngăn chặn “cò mồi”, hàng rong...
Ông Vương Duy Dũng - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay: “Ngoài bảo vệ của bến, đội ngũ xe ôm, taxi cũng có đội tự quản riêng để nhắc nhở, nêu cao kỷ luật, giảm thiểu hiện tượng chèo kéo khách”.
Đặc biệt, bến Mỹ Đình đã được Công ty CP Bến xe Hà Nội lựa chọn để xây dựng mô hình bến xe văn minh, hiện đại. Hiện bến xe Mỹ Đình đang cải tạo, nâng cấp khu vực nhà chờ theo tiêu chuẩn dành tương đương nhà chờ tại các sân bay, dự kiến trước Tết Dương lịch 2024 sẽ đưa vào vận hành, phục vụ người dân.
Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội chia sẻ: “Bến sẽ làm hết mình để củng cố chất lượng dịch vụ, nhưng cùng với đó các DN vận tải cũng phải tự giác, nâng cao ý thức trong việc kinh doanh để xe khách liên tỉnh hấp dẫn hơn đối với người dân”.
Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm khi cho rằng, một mình đơn vị quản lý bến xe sẽ không thay đổi được bao nhiêu hiện trạng khó khăn trước mắt của xe khách liên tỉnh.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định: “Các DN vận tải phải đặt hành khách lên trước lợi nhuận, tạo cho người dân cảm giác được phục vụ thực sự khi đến bến xe. Để lái phụ xe ra chèo kéo chỉ gây phản cảm, khiến hành khách ngày càng “sợ” bến xe, sợ xe khách liên tỉnh”.
Mặt khác, việc phải cạnh tranh với xe khách “trá hình” trong thế yếu cũng đang khiến chất lượng xe khách liên tỉnh ngày càng đi xuống. Các bến xe lớn được phép hoạt động trên địa bàn Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng bến “cóc” tập kết xe “dù”, xe khách “trá hình” thì mọc lên nhan nhản khắp nơi.
Hiện sản lượng xe và khách tại các bến đều sụt giảm nghiêm trọng. Nếu lực lượng chức năng không xử lý được xe khách “trá hình”, xe khách liên tỉnh sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hiện tượng “cò mồi” cũng sẽ theo đó diễn biến phức tạp hơn bất chấp mọi nỗ lực của đơn vị quản lý bến xe.