LS huy động: Các ngân hàng đua nhau… vượt rào
Theo lãnh đạo một ngân hàng lớn thì việc các ngân hàng đang tăng ngầm LS hiện nay là xuất phát từ lý do "đói" vốn, thanh khoản yếu. Thực ra, nhìn vào bảng niêm yết LS huy động của các ngân hàng thời điểm này sẽ thấy, nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn về khả năng thanh khoản, khi các ngân hàng đồng loạt niêm yết LS huy động các kỳ hạn từ 1 tuần đến 12 tháng ở mức kịch trần 14%, còn kỳ hạn trên 12 tháng lại thấp hơn 1 đến 2%.
Cũng theo nguồn tin trên, thời buổi trượt giá như hiện nay, mức trần LS huy động 14% không đảm bảo cho người gửi tiền hưởng mức lãi thực dương, tuy nhiên quy định đã đề ra thì các ngân hàng phải tuân theo. "Tôi mong cơ chế lãi suất sẽ được tự do hóa trong tình hình hiện nay và mỗi ngân hàng được phép áp lãi suất huy động tùy theo nhu cầu vốn của họ. Vì mỗi ngân hàng có chiến lược kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng riêng, đối tượng khách hàng, quan điểm về rủi ro và lợi nhuận khác nhau nhưng lại chịu một khung trần chung về lãi suất huy động thì quả là khó cho họ"- vị lãnh đạo này cho biết.
So sánh lạm phát tháng 4/2010, lạm phát tháng 4/2011 đã xấp xỉ 17%, nghĩa là lãi suất huy động không thể thấp hơn 17%. Đây là lý do các ngân hàng vượt rào phổ biến mức trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế.
Và những giải pháp quyết liệt
Theo thông tin từ NHNN, trong một động thái mới nhất, NHNN ngày 17/5 đã thực hiện nâng mức lãi suất tái cấp vốn từ 14% lên 15%. Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tuần, NHNN đã đưa ra quyết định điều chỉnh này khẳng định sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù việc tăng lãi suất này sẽ không ảnh hướng quá lớn đến thị trường, nhưng động thái này cho thấy, NHNN tiếp tục rất "quyết tâm" trong việc chống lại lạm phát.Và theo chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi: Trong những giai đoạn đặc biệt như hiện nay, nếu NHNN không áp dụng những biện pháp mang tính hành chính để quản lý thị trường, thì thị trường có thể náo loạn. "Thực tế, LS tăng cao không giúp cho nguồn vốn ngân hàng tăng lên, bởi cũng chỉ từng ấy lượng tiền gửi. Các ngân hàng tăng LS chỉ vì muốn giữ chân khách hàng, đảm bảo nguồn vốn cho các loại hình dịch vụ khác của mình. Song việc đẩy mạnh LS huy động lại kéo theo nhiều hệ lụy khác, như các ngân hàng phải nâng LS vay lên theo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà sản xuất"- ông Nhi nói. Ông Trần Du Lịch- thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, khi lạm phát còn cao, LS không thể nào giảm xuống được. Hiện LS đã quá cao, không thể tăng nữa nhưng phải duy trì ở mức đó. Bởi thực tế, ngân hàng vẫn phải giữ mức LS thực dương so với chỉ số lạm phát. Với các biện pháp "mạnh tay" liên tiếp trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và các diễn biến trong thời gian gần đây, chúng ta có thể kỳ vọng lạm phát sẽ dần chậm lại kể từ tháng 6 tới.
Trước đó, trước tình trạng nhiều ngân hàng huy động vốn vượt trần, NHNN đã có công văn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong công văn trả lời Ngân hàng Á Châu (ACB) mới đây, NHNN khẳng định huy động vốn dưới hình thức nhận tiền gửi tiết kiệm VND đảm bảo giá trị theo USD là trái luật và yêu cầu ACB không triển khai sản phẩm này. Ngoài ra, trong công văn gửi NHNN chi nhánh Tiền Giang, NHNN cũng cho biết, các hình thức huy động vốn theo LS bậc thang, huy động vốn kèm theo các chương trình khuyến mãi vượt trần LS 14% và huy động vốn dưới hình thức nhận vốn ủy thác là không đúng pháp luật.
Còn theo TS. Lê Thẩm Dương, dù mức LS 14% không còn phù hợp với tình hình giá cả hiện nay song LS cũng không thể cao tới 19 - 20%. Ông Dương cho rằng, lúc này, chính sách tiền tệ không thể đơn phương đứng ra giải quyết câu chuyện lạm phát và LS, mà phải có sự tham gia quyết liệt của các chính sách đầu tư, tài chính, thể hiện ở việc mạnh tay cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách…
Muốn vậy, cần phải tổ chức thực hiện tốt 6 giải pháp Nghị quyết 11 đề ra. Về biện pháp, bao gồm cả việc nhóm các ngân hàng nhỏ lại, chấm dứt ngay chạy đua LS dây chuyền.