Mạo danh công an để lừa đảo

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ một số đối tượng giả danh hoặc tự xưng là cán bộ công an để lừa đảo.

Thực tế loại hình lừa đảo này không mới, tuy nhiên các đối tượng xấu ngày càng có những thủ đoạn mới khiến nhiều người nhẹ dạ vẫn bất cẩn mắc phải chiêu trò mới của các đối tượng.

Gần đây nhất (tháng 8/2016), Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Văn Đồng (SN 1981, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) để điều tra, làm rõ hành vi giả danh công an nhằm cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra, rạng sáng 18/7, tại đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên), Đồng ép xe máy 2 người phụ nữ đang chở hàng đi chợ, rồi rút một chiếc thẻ màu đỏ xưng là cảnh sát hình sự và bắt họ dừng xe để kiểm tra. Nhận thấy Đồng có dấu hiệu bất minh, 2 người phụ nữ đã bỏ chạy. Cùng thủ đoạn trên, Đồng tiếp tục chặn xe một nạn nhân khác tại trước số nhà 757 đường Nguyễn Văn Linh vờ kiểm tra rồi cưỡng đoạt số tiền 50.000 đồng. Hành vi giả danh công an cưỡng đoạt tiền của Đồng đã bị tổ công tác thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ.

Đặc biệt, thủ đoạn các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an điều tra để lừa đảo liên tiếp xảy ra trên các tỉnh, thành trong cả nước. Tháng 7/2016, cơ quan điều tra đã bắt giữ Lê Văn Thành (SN 1996, trú tại Thanh Miện, Hải Dương) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Thành gọi điện thoại cho một phụ nữ sống tại Hà Nội, tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh. Quá trình trò chuyện qua điện thoại, Thành thông báo người phụ nữ này liên quan đến vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền. Sau hồi dọa nạt, Thành yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Thành cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Lo lắng trước những lời lẽ đe dọa, nạn nhân đã chuyển hơn 2,5 tỷ đồng vào tài khoản đối tượng cung cấp. Sau đó, nạn nhân kịp thời thông báo cho cơ quan công an, nên đã thu hồi được số tiền đã mất.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều thủ đoạn các đối tượng mạo danh cán bộ công an nhằm lừa đảo đã bị phát hiện, bắt giữ trong năm 2016. Theo cơ quan công an, điều quan trọng nhất là người dân cần không mất bình tĩnh với bất cứ trường hợp nào khi tiếp nhận thông tin được giới thiệu là cán bộ công an đang làm nhiệm vụ. Trường hợp tiếp xúc trên đường, nhất là đoạn đường vắng, thời gian đêm khuya cần xem xét rõ giấy tờ, thẻ ngành người thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp người gọi điện đến tự xưng là cán bộ công an, người dân cần yêu cầu được có giấy mời, giấy triệu tập đến trụ sở làm việc theo đúng quy định và chấm dứt cuộc điện thoại. Đặc biệt, cơ quan công an không mở tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân để yêu cầu người dân chuyển tiền.