Cửa hàng bán lẻ “mất giá”
Chị Nguyễn Thu Trang - chủ một cửa hàng tại đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, lượng khách hàng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Sau khi có chỉ thị của Chính phủ về việc thực hiện cách ly toàn xã hội thì phải đóng cửa không kinh doanh, nên chị Trang buộc phải trả lại mặt bằng.
“Mỗi tháng chi phí mặt bằng cộng với tiền điện nước, lương nhân viên là trên 60 triệu đồng. Trong khi đó tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên tôi buộc phải nghỉ bán và trả lại mặt bằng đợi qua mùa dịch rồi tính tiếp” – chị Trang chia sẻ.
Anh Phạm Thanh Tùng - chủ một nhà hàng kinh doanh ăn uống trên phố Bà Triệu cũng cho biết, cửa hàng của anh đã đóng cửa từ giữa tháng 3 do lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Đó cũng là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và nhiều ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày.
Các mặt bằng kinh doanh bán lẻ của cá nhân, hộ gia đình gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19. Ảnh: Doãn Thành |
“May mắn là sau khi thương lượng, tôi được chủ cho thuê giảm 20% tiền nhà, thời gian đóng cửa hàng còn được miễn hoàn toàn. Với giá thuê 200 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ nếu không được chủ thuê hỗ trợ sẽ khó cầm cự được qua mùa dịch” – anh Tùng nói.
Cùng chung hoàn cảnh với những người đi thuê, các chủ cho thuê mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn khi bị mất nguồn thu. Chị Trần Huyền Mỹ, chủ cho thuê cửa hàng tại phố Yên Lãng cho biết, sau khi người thuê trả lại mặt bằng chị vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Hiện nay, mặt bằng vẫn đóng cửa để không.
“Tôi có cam kết là sẽ giảm giá thuê so với trước đây và chỉ lấy tiền thuê khi hết dịch, cửa hàng mở cửa kinh doanh trở lại, nhưng vẫn không có người thuê” – chị Mỹ nói.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, không chỉ các mặt bằng bán lẻ của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng mà chuỗi các mặt bằng bán lẻ lớn của DN cũng đã “ngấm đòn” trong đại dịch Covid-19. Ngoài các mặt bằng kinh doanh thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, tất cả các mặt bằng kinh doanh khác đều phải đóng cửa theo Chỉ thị về cách ly toàn quốc.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam Vũ Quang Vinh nhận định, người làm thuê và người kinh doanh dịch vụ nhỏ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch Covid-19.
Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu từ các cửa hàng, đến nay buộc phải đóng cửa nên nguồn thu đó cũng bị mất đi. Về cơ bản, trong giai đoạn này, các chủ cho thuê đều có chia sẻ đối với người thuê, thời điểm đầu thực hiện giảm giá thuê từ 20 – 50%, nhưng cho đến nay đã sẵn sàng cam kết không lấy tiền thuê cho đến khi hoạt động kinh doanh trở lại. Nhưng nhìn chung, đây là nhóm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống trong giai đoạn này.
Chủ động phương án ứng phó
Bà Từ Thị Hồng An - Phó Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Việt Nam cho biết, bán lẻ là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch Covid-19. Phần lớn người kinh doanh đều thực hiện phương án trả lại mặt bằng, các chủ cho thuê cũng phải giảm giá thuê hoặc miễn tiền thuê.
“Mặc dù các chủ cho thuê đã phải miễn, giảm tiền thuê nhưng những áp lực và lo ngại về kết quả kinh doanh đối với người thuê rất lớn. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, việc kinh doanh cho thuê mặt bằng sẽ còn nhiều khó khăn, cả người đi thuê và chủ cho thuê cần phải chủ động các phương án để đối phó” – bà An nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Phú Vinh Group Phan Công Chánh cho biết, Covid-19 đã khiến thị trường BĐS mất đi sinh khí, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
“Mất đi doanh thu cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị chủ quản (chủ nhà, chủ trung tâm thương mại, chủ mặt bằng cho thuê) và người đi thuê ngay lập tức gặp vấn đề vì hàng trăm loại chi phí đè nặng như tiền trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, lãi vay… Tôi cho rằng, phải mất ít nhất 2 - 3 quý sau dịch bệnh, thị trường mới có thể lấy đà để phục hồi. Nhưng khó khăn trước mắt theo tôi là ngắn hạn và cần thời gian để mọi thứ trở lại theo đúng quỹ đạo của nó” – ông Chánh nhận định.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các DN, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhưng theo chuyên gia Vũ Quang Vinh, gói kinh tế này mới chủ yếu tập trung vào các DN và có bổ sung tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm... Nhiều đối tượng làm thuê, công nhân lao động cũng đã được Nhà nước lên kế hoạch hỗ trợ tài chính.
Còn đối với việc hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình kinh doanh bán lẻ, quán ăn, nhà hàng thì chưa có chính sách cụ thể. Nhưng xét trên thực tế, người dân cũng cần phải chia sẻ với Chính phủ trong giai đoạn này, bởi nguồn ngân sách Nhà nước không thể đủ để hỗ trợ cho tất cả. Theo tôi, chính quyền địa phương cũng có thể cân nhắc việc hỗ trợ người dân sau khi trở lại kinh doanh thông qua hình thức miễn phí môn bài nhưng thực tế phí này cũng không lớn lắm hoặc có thể giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng phải đóng thuế.
“Những khó khăn hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn, đối với mặt bằng kinh doanh bán lẻ của cá nhân, hộ gia đình có thể sẽ mở cửa trở lại ngay sau khi hết lệnh cấm. Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh và doanh thu được trở lại bình thường vẫn cần phải có thêm thời gian. Các chủ kinh doanh cũng nên chuẩn bị phương án để ứng phó với khó khăn này” - chuyên gia Vũ Quang Vinh nhận định.