Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạt bưởi...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ xưa tới nay phàm những việc như thăm viếng, quà cáp, người phố thường “ưa” hoa quả; bánh kẹo lại vừa lòng kẻ quê. Mà kể cũng lạ, trong muôn vàn thứ hoa trái của xứ nhiệt đới (từ cam, quýt, bưởi, bòng, na, chuối, mít, ổi…), người ta chỉ chọn mấy thứ để làm quà tặng.

Người ta chỉ biếu nhau những cam cùng na, mà tịnh không mấy ai đến nhà nhau mà ôm theo quả mít, trái bưởi!

Người dân trồng bưởi Diễn tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy  
Người dân trồng bưởi Diễn tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy  

Mà bưởi đâu phải hạng xoàng, nó cũng đi vào thơ ca rồi đấy ạ. Tác phẩm "Hương thầm" của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn có những câu thơ rất ý nhị: “…Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…”. Trong bài "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa", Nguyễn Duy từng viết: “Bao giờ cho đến mùa Thu/Trái hồng, trái bưởi đánh đu giữa rằm”.

Trung thu mà không có trái bưởi thì rõ chán, mâm ngũ quả ngày Tết cũng không thể thiếu thứ quả tròn long lóc. Ngay cắt tóc cho đám trẻ con (vào mùa Hè), lắm bậc phụ huynh cũng chặc lưỡi mà bảo với phó cạo rằng: Bác cứ cắt cho cháu kiểu trái bưởi cho nó mát. Thế mới thấy “anh bưởi” cũng có vai trò trong cuộc sống chứ chẳng chơi…

Cách nay ít lâu, tại vùng ven đô và các tỉnh lân cận Hà Nội rộ lên phong trào trồng bưởi, mà chủ yếu là bưởi Diễn. Hễ trong vườn hở ra tý đất, thế nào người ta cũng cắm cho được vài cây. Sau dăm năm, nhiều hộ đã được hưởng thành quả ngọt ngào từ bưởi Diễn. Tuy nhiên do phát triển ồ ạt, nguồn gốc xuất xứ cây giống à uôm, điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên đến nay cây bưởi Diễn có chỗ ngọt, chỗ chua.

Thông thường sau khoảng 5 năm xuống giống, cây bưởi Diễn bắt đầu cho ra lứa quả đầu tiên, vài vụ đầu quả còn hơi nhạt, càng về sau vị càng đậm - mát mà thanh. Chẳng rõ do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, không phù hợp thủy thổ, hay do giống cây “lộ cộ”, đến nay nhiều hộ dân quê tôi đang phải trả giá cho “anh” bưởi.

Vài vụ đầu còn kha khá, càng về sau (mang tiếng là bưởi), nhưng kích thước chỉ nhỉnh hơn quả cam. Màu sắc, hương thơm thì đúng vị bưởi Diễn, nhưng ăn vào thì nhạt và lắm lúc lại có vị đắng… Do không mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều nhà đã chặt bỏ, cây bưởi được nâng niu ngày nào nay trở thành của nợ.

Đã sắp hết tuần thứ nhất của tháng Chạp năm con Hổ, trong các mảnh vườn quê, bưởi đang độ chín vàng. Giá như mọi năm, tầm cuối tháng 10 đầu tháng 11 (âm lịch), thương lái đã vào tận vườn “đặt gạch”; nhưng gần đây, tịnh không thấy một bóng. Đầu làng, cuối bãi bưởi chín đà muốn rụng – nhưng không có người mua, mà người trồng cũng chẳng buồn thu hoạch. Tiếc của, một số hộ đem ra chợ bán rong, nhưng chỉ được dăm ba ngàn đồng mỗi quả, chả bõ tiền công và chi phí xăng, dầu…

Vốn trong vườn cũng có dăm gốc đã chín, thế mà hôm rồi nhà cụ Vi còn được người chị họ biếu cả tải bưởi Diễn. Hôm sau, đứa con gái lấy chồng ở xóm bên cạnh cũng lễ mễ khuân sang nửa tải. Khốn nỗi nhà đã chật, bếp càng hẹp, lại bị hơn tạ bưởi chiếm chỗ, thành thử mỗi khi ra vào không cẩn thận là đá phải bưởi. Ăn mãi cũng chán (vì thực tình không được ngon), mang biếu người khác thì sợ mang tiếng, đổ đi cũng phí, bưởi trở thành… món nợ trong nhà.

Vốn có khiếu hài hước, ông cụ Vi tếu rằng: Tết này tao kiên quyết không nhận quà biếu (đặc biệt là bưởi). Con cháu gần xa, đứa nào mà còn tặng bưởi thì…. chết với ông!