Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, quy mô dân số hiện nay khoảng gần 96,5 triệu người (tính đến năm 2019). Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Tỉ lệ tăng dân số 10 năm qua (2009-2019) trong khoảng từ 1,05% – 1,15%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người…
Tuy nhiên, công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt là những thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số rất lớn. Đó là mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh/TP. Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra ở mức cao và ngày càng lan rộng. Lợi thế của dân số vàng chưa thực sự được khai thác và phát huy hiệu quả do chưa có giải pháp đồng bộ. Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng chủ động với già hóa dân số. Chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế…
Cũng theo Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2011, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số, nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Người Việt Nam chưa giàu đã già vì có trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Trong khi đó hiện nay, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh; mạng lưới lão khoa chưa phát triển; môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển; khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.
Trước thực tế này, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ phê duyệt chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 vì theo dự báo nước ta sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2026, với số người trên 65 tuổi chiếm hơn 10%.
Nêu 3 mục tiêu nâng cao chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng Dân số Nguyễn Xuân Trường cho biết, mục tiêu thứ nhất là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị mỗi người dân gia đình và toàn xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Thứ hai là tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu phòng, chống các bệnh không lây nhiễm triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi tiêu. Thứ ba là đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao và chi phí phù hợp và mục tiêu. Thứ tư là xây dựng môi trường cộng đồng thân thiện nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và phát huy vai trò kinh nghiệm của người cao tuổi.
Tham luận tại hội thảo, đại diện Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Quốc phòng đã tổ chức 15 đội y tế cơ động khám, tư vấn và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) cho 256.000 lượt bộ đội và Nhân dân khu vực biên giới, hải đảo. Bộ Quốc phòng đã tổ chức 22 lớp tập huấn và hơn 50 buổi nói chuyện truyền thông về chăm sóc SKSS, giáo dục giới tính, tình dục lành mạnh và an toàn cho gần 10.000 lượt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn quân và Nhân dân trên địa bàn đóng quân. Các hoạt động đã thực hiện đúng tiến độ, đạt được kết quả cao, thiết thực, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình dân số quốc gia. Đại diện Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ quan tâm xây dựng chương trình phối hợp giữa hai cơ quan để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân số trong Quân đội, cũng như sự phối hợp thực hiện tốt công tác dân số tại địa phương nơi đóng quân…
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trong toàn ngành, bám sát chủ đề của Tháng hành động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Các đơn vị chủ động phối hợp với ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về công tác dân số và phát triển. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn |