Mặt hàng chống nóng bắt đầu khởi động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trái với năm ngoái, thị trường điện lạnh và các đồ chống nóng năm nay đến tận đầu tháng 5 mới chính thức vào mùa, bởi nắng nóng muộn.

KTĐT - Trái với năm ngoái, thị trường điện lạnh và các đồ chống nóng năm nay đến tận đầu tháng 5 mới chính thức vào mùa, bởi nắng nóng muộn.

Doanh số các loại hàng điện lạnh, điện tử và các mặt hàng chống nóng như quạt, đồ bơi… tăng khá mạnh những ngày qua.

Điều này khiến các nhà phân phối không mấy bi quan, dù mùa nóng năm nay đến muộn hơn so với mọi năm.
 
Thời tiết nắng nóng đúng dịp lễ 30/4 và 1/5 nên trên một số tuyến phố chuyên các thiết bị điện lạnh và chống nóng tại Hà Nội như Phùng Hưng, Ngõ Trạm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng….luôn đông nghẹt khách tranh thủ mua sắm.

Cao điểm rơi vào tháng 6, tháng 7

Trái với năm ngoái, thị trường điện lạnh và các đồ chống nóng năm nay đến tận đầu tháng 5 mới chính thức vào mùa, bởi nắng nóng muộn. Anh Nguyễn Quang Nam, khách xem hàng tại một cửa hàng điện lạnh trên phố Cầu Giấy, cho hay tranh thủ đường xá đi lại dễ dàng trong mấy ngày lễ, hai vợ chồng đi mua một chiếc điều hòa Panasonic công suất 13.000 BTU. “Tôi đang xem xét có nên ưu tiên lựa chọn tính năng tiết kiệm điện hay, không bởi loại này giá cao hơn chút ít”, anh Nam nói.

Theo nhân viên bán hàng cửa hàng này, trong vài ngày qua, doanh số bán ra đã tăng gấp đôi ở mặt hàng điều hòa, phần lớn người mua lo ngại khi thấy nắng nóng nên mua luôn để được nhanh chóng lắp đặt, tránh phải chờ đợi khi rơi vào thời kỳ cao điểm. Theo dự báo của các nhà phân phối, dòng biến tần tiết kiệm vẫn sẽ được ưa chuộng trong năm nay, mặc dù với điều kiện phòng ốc của nhà dân, mức tiết kiệm tối đa chỉ 40% chứ không cao đến 50 – 60% như quảng cáo của nhiều hãng. Cao điểm của thị trường sẽ rơi vào tháng 6 - 7, khi nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, một số hãng cũng tung ra dòng sản phẩm mới với tính năng một dàn nóng nhiều dàn lạnh, giá cao hơn khoảng 7% so với dòng sản phẩm thông thường, nhưng dự báo sẽ bán chạy trong năm nay.

Tại phố Ngõ Trạm, chị Oanh, chủ một cửa hàng quạt cho hay, trong mấy ngày nghỉ, dù người dân đi du lịch và về quê nhiều, nhưng lượng bán vẫn tăng gấp rưỡi so với những ngày trước đó. Bán chạy nhất là các loại quạt tích điện và quạt phun sương, giá dao động từ gần 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng một chiếc.

Tương tự, các mặt hàng đồ bơi, mũ nón và các loại đồ chống nắng khi đi du lịch của tăng khá “nóng” trong tuần trước lễ. Tại phố Chùa Bộc, Hà Nội, doanh số bán ra tại các cửa hàng đồ bơi, đồ nội y tăng gấp ba lần, bán chạy nhất là dạng đồ bơi bikini hai mảnh, do được giới trẻ ưa chuộng.

Cẩn thận khi được giảm giá

Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc bán hàng Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Hợp Phát, cho hay riêng mặt hàng điều hòa của công ty này vẫn bán chạy hơn năm ngoái, dự báo doanh số cả vụ sẽ tăng tới 50% và mãi lực sẽ tăng mạnh từ sau 30/4. Tương tự, nhiều doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối các mặt hàng điện lạnh cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng ở ngưỡng từ 10 đến 25%.
 
Theo lý giải của các doanh nghiệp này, lạm phát, bão giá vẫn không ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu thụ của người dân, bởi các mặt hàng điện tử điện lạnh hiện nay giá cũng không quá cao và không phải là hàng xa xỉ khi có nhiều lựa chọn bình dân. Hơn nữa, nhu cầu vẫn cần, càng chần chừ thì giá càng tăng chứ không có giảm. Hiện giá các loại hàng này đã tăng ở 5 – 7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tỷ giá USD tăng. Những ngày này, tỷ giá USD đang giảm khá mạnh, nhưng do chu kỳ mùa vụ của các mặt hàng  phải nhập đơn hàng đuổi từ khoảng tháng 2, tháng 3 vào thời điểm giá USD đang ở mức cao, nên hầu hết các mặt hàng đều ở mức giá cao.
 
Hiện hầu hết các trung tâm, siêu thị điện máy đều tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá hay những tính năng mới hấp dẫn của các mặt hàng điện lạnh. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn các sản phẩm khuyến mại thực sự, tránh nhầm lẫn giữa giảm giá đẩy hàng, tốt nhất là nên mua hàng tại các trung tâm có uy tín đảm bảo chính hãng và niêm yết giá cả rõ ràng, chính sách bảo hành lâu dài. 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần