Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng kim loại phế liệu như: Sắt thép, phôi sắt, đồng, nhôm, bột nhôm, xỉ nhôm, phôi nhôm, tôn, thiếc… đang đặt câu hỏi về mặt hàng nào áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10%, mặt hàng nào áp dụng thuế suất 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, trong trường hợp các doanh nghiệp xuất nhiều mặt hàng trên cùng một hóa đơn cho người mua trong tháng 2/2022, xuất sai thuế suất phải điều chỉnh như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đối với phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.
Những mặt hàng này được căn cứ theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:
Trường hợp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm kim loại như: Sắt, thép, chì kẽm, nhôm, đồng… (bao gồm phế liệu, phế phẩm) thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng được áp dụng mức thuế GTGT 8%.
Do đó, Bộ Tài chính kết luận mặt hàng sắt thép phế liệu không thuộc diện giảm thuế GTGT và vẫn tính ở mức 10%.
Bên cạnh đó, đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, công ty đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót; đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính khuyến nghị các cá nhân, doanh nghiệp liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể.