Gần đây nhất, sự việc xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Việt Á (VietABank) có trụ sở tại Hà Nội, một số khách hàng đã gửi đơn kêu cứu về món tiền gửi tiết kiệm 170 tỷ đồng của mình “bốc hơi”. Tất cả sổ đều có chữ ký của Giám đốc VietABank, Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Đông Đô ký và có đóng dấu đỏ của ngân hàng này. Phía ngân hàng cho biết, sự việc đang trong giai đoạn điều tra, Nguyễn Thị Hà Thành (đã bị bắt) đang chờ cơ quan công an kết luận. Trước đó, Nguyễn Thị Hà Thành thuyết phục khách hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với mình để hưởng lãi suất ưu đãi (chênh lệch bên ngoài cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường). Đến đầu tháng 12/2018, nhiều khách hàng khác phát hiện sổ tiết kiệm đồng sở hữu bị Thành và đồng phạm thế chấp vay vốn. Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội ngày 24/12/2018 xác định chữ ký của khách hàng trên hồ sơ vay vốn là giả.Dù Thành không phải nhân viên của VietA Bank song cơ quan công an cũng cho biết, trong sự việc này còn có một cán bộ ngân hàng đang làm tại VietABank có liên quan và cũng bị khởi tố (nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ). Vụ việc hiện vẫn chưa ngã ngũ bởi các bên còn bận đổ trách nhiệm cho nhau. Nhưng điểm qua các vụ trước đó như vụ đại gia thủy sản bị chiếm đoạt 245 tỷ đồng khi gửi tại EximBank; 17 khách gửi tiền mất 400 tỷ đồng tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng cũng là một trong những vụ cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách lớn nhất gần đây; và không thể không kể tới vụ án liên quan tới “siêu lừa Huyền Như”. Điều đó cho thấy, rõ ràng các ngân hàng đang có những lỗ hổng quản trị rủi ro tiền gửi nghiêm trọng.Thanh tra NHNN đã phát đi một văn bản cảnh báo toàn hệ thống một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong gửi tiền, vay tiền, cầm cố bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng. Ngoài điểm danh vụ việc và các thủ đoạn như trên, NHNN còn yêu cầu tất cả các NHTM phải triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; thực hiện nghiêm quy trình, quy định, nghĩa vụ và luân chuyển cán bộ để chống rủi ro đạo đức.Theo một vị luật sư trong ngành ngân hàng, nếu như ngân hàng làm đúng thì không bao giờ đối tượng phạm tội lấy được tiền từ ngân hàng dù khách hàng có mất sổ tiết kiệm, dù khách hàng có đưa chứng minh nhân dân cho người gian lận. Và ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì tất cả đều là cán bộ của ngân hàng, là người của pháp nhân. Mấu chốt để ngăn chặn tình trạng mất tiền là phải quy được trách nhiệm bồi thường khách hàng cho pháp nhân ngân hàng thay vì trách nhiệm của các cá nhân sai phạm. Đó là cách để ngân hàng siết chặt hơn với các quy định về quản trị rủi ro đồng thời gỡ bỏ nhiều “cạm bẫy” trong mối quan hệ tín dụng giữa họ và khách hàng.