Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mâu thuẫn học đường: Đâu phải là chuyện trẻ con

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP Hà Nội phối hợp Công an huyện Đan Phượng đang tích cực điều tra, xác định nguyên nhân vụ án mạng đau lòng xảy ra tại trường THCS Hồng Hà, huyện Đan Phương, Hà Nội. Vấn đề mâu thuẫn học đường và cách thức giải quyết mâu thuẫn một lần nữa lại được đặt ra.

 Học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) hào hứng trong một giờ học về tâm lý học đường.
Trách nhiệm gia đình - nhà trường và xã hội

Khi một vấn đề nào đó phát sinh giữa học sinh (HS) với nhau thì người lớn hay có câu nói cửa miệng: “Chỉ là chuyện trẻ con thôi!”. Tuy nhiên, “chuyện trẻ con” đó có thực sự là vấn đề của trẻ con hay không khi có những vụ việc, hậu quả của nó khiến người lớn phải bàng hoàng. Vụ án xảy ra tại trường THCS Hồng Hà, huyện Đan Phượng là một ví dụ. Một HS tử vong, một HS khác rơi vào vòng lao lý - kết cục đó xoáy vào lòng mỗi người nỗi dằn vặt và day dứt. Tuy Cơ quan CSĐT chưa chính thức công bố nguyên nhân dẫn đến vụ án đau lòng này nhưng có thể thấy rằng, vụ án có khởi nguồn từ mâu thuẫn phát sinh giữa hai HS. Mâu thuẫn đó đã được HS lớp 9 giải quyết bằng hành vi bạo lực, dùng hung khí xuống tay với HS lớp 8 - cũng là người em học cùng trường với mình.

Vụ án là bài học về việc cần quan tâm sát sao để sớm phát hiện mâu thuẫn phát sinh tại môi trường học đường, giữa những HS với nhau. Chỉ sự quan tâm của bạn bè, thầy cô và gia đình mới là cách tốt nhất để phát hiện, can thiệp, tư vấn cách thức giải quyết, hóa giải mâu thuẫn, giúp những mâu thuẫn nhỏ không bùng lên thành ngọn lửa căm phẫn dẫn đến lối hành xử bồng bột gây hậu quả đau lòng.

PGS.TS Trần Thành Nam (trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Những HS rơi vào các vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc. Nếu vấn đề tâm lý của các em được phát hiện sớm để có hỗ trợ và tư vấn thì sẽ giảm được những vụ việc bạo lực học đường”. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần phải có chương trình giáo dục hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình. Bên cạnh đó có thể là chương trình an toàn trong khu dân cư, phố (thôn, xóm), phường (xã)... thuộc sự quản lý của các cơ quan, ngành chức năng khác ngoài ngành giáo dục. Đó là những nền tảng không thể thiếu trong phòng chống bạo lực học đường.

Tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh

Về vấn đề này, cô giáo Ngô Thị Bích Ngọc - cán bộ Tâm lý học đường, sáng lập viên Nhóm kết nối tâm lý học đường Hà Nội cho biết: HS đang trong độ tuổi trưởng thành nên xã hội thu nhỏ của các em cũng có muôn vàn vấn đề; trong đó có vấn đề xảy ra mâu thuẫn. Vậy làm thế nào để các em có cách giải quyết lành mạnh, không gây hậu quả đáng tiếc?

Trong thiết kế chương trình cho HS, trường học nào cũng có quy chế, nội quy, quy định không được phép xảy ra xung đột, đánh nhau. Giáo viên chủ nhiệm là người cụ thể hóa nội quy đó thông qua nhiều cách thức để HS nắm rõ. Nói về phương pháp giảm thiểu những vụ việc bạo lực học đường, theo cô Ngô Thị Bích Ngọc, cần yêu cầu HS nắm chắc và tuân thủ nội quy, quy định của nhà trường. Với những HS có yếu tố tâm lý đặc biệt, nên gom thành nhóm để giáo dục chuyên sâu, làm việc với chuyên gia, giám sát kiểm tra thường xuyên xem HS đó còn có lối giải quyết bạo lực không. Nhà trường nên thiết kế các chủ đề kỹ năng như: Phòng chống bắt nạt, phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp tích cực…

Cô Ngọc cho rằng, nhà trường không chỉ dạy HS kiến thức, hình thành điểm số mà cần quan tâm, thấu hiểu để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, biết HS có điểm mạnh, điểm yếu gì; có đặc điểm tâm lý ra sao. Bản thân HS chưa hiểu được các nguyên tắc xã hội nên dễ bột phát trong giải quyết mâu thuẫn. Thêm vào đó, nhà trường cần xây dựng Phòng hỗ trợ tâm lý để HS được trợ giúp kịp thời; luôn quan tâm sát sao để phát hiện mâu thuẫn và hỗ trợ, hướng dẫn các em cách giải quyết…

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ÐT) Bùi Văn Linh, để xây dựng văn hóa trường học và phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả, công tác giáo dục phổ biến pháp luật cho người học cần chú trọng hơn. Nội dung này liên quan nhiều cơ quan như: Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, T.Ư Đoàn… nên có cơ chế phối hợp chặt chẽ để thực hiện. Thời gian tới, các trường cũng phải đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho HS thông qua các môn học, hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, ngành giáo dục các địa phương cần cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, ứng xử văn hóa, công tác xã hội, quy chế, điều lệ các cấp học.
Đưa trường học vào “tọa độ” tuần tra hàng ngày

Tại hội nghị tổng kết Dự án 4 giai đoạn 2018 - 2020 và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Công an tổ chức, đại diện Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Công an tăng cường phối hợp với ngành GD&ĐT trong triển khai xây dựng các mô hình tăng cường an ninh trường học trên toàn quốc. Theo đó, các cơ sở giáo dục mong muốn Cục Cảnh sát Hành chính, Cục Cảnh sát Hình sự tuần tra thường xuyên trên địa bàn và đưa các “tọa độ” trường học vào công tác tuần tra hàng ngày về ANTT, an ninh trường học. Có như vậy mới kịp thời phát hiện, ngăn ngừa triệt để được những vụ án, vụ việc đau lòng xảy ra trong môi trường giáo dục.